Nhận diện người trẻ có sợ trách nhiệm?

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng, người lãnh đạo cần phải tạo điều kiện để người trẻ phát huy tính xung kích, năng động. Cụ thể phải tạo ra môi trường công tác bình đẳng, công bằng, đoàn kết, hết lòng hết sức vì công việc, vì cái chung.
Nhận diện người trẻ có sợ trách nhiệm?

Ngày 6-4, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Báo Tuổi trẻ tổ chức toạ đàm “Người trẻ có sự trách nhiệm?”. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM.

Buổi tọa đàm là dịp để các bạn trẻ chia sẻ góc nhìn về vai trò, trách nhiệm của mình trước những nhiệm vụ, vấn đề phát sinh của đất nước. Đặc biệt, đây cũng là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ suy nghĩ về chủ đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" được đăng trên Tạp chí Cộng Sản số 11-1973 với bút danh Người Xây Dựng - một trong các bài viết được trích từ cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới xuất bản.

Các đại biểu tham dự tọa đàm Người trẻ có sợ trách nhiệm. Ảnh: THU HƯỜNG

Các đại biểu tham dự tọa đàm Người trẻ có sợ trách nhiệm. Ảnh: THU HƯỜNG

Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Lê Thế Chữ nhấn mạnh, có thể coi cuốn sách của Tổng Bí thư là cuốn cẩm nang về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng ở nước ta. Cuốn sách đã cung cấp nhiều thông tin giúp người đọc hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối đấu tranh với “giặc nội xâm”, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo điều kiện cho cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến xây dựng đất nước.

Tại buổi toạ đàm, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trương Minh Tước Nguyên chia sẻ về tinh thần dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trẻ thành phố thời gian qua. Trong đó, Thành đoàn đã triển khai phong trào “3 trách nhiệm”, gồm: trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với công việc và trách nhiệm với bản thân. Phong trào đã được Trung ương Đoàn nhân rộng trên toàn quốc với trọng tâm là trách nhiệm với nhân dân, công việc và cộng đồng.

Tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ

Anh Trương Minh Tước Nguyên điểm lại một số mô hình thể hiện được tinh thần xung kích của tuổi trẻ thành phố trong triển khai thực hiện phong trào “3 trách nhiệm”, như mô hình “Ngày thứ 7 tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính” hay “Giờ thứ 9”…

Theo Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, thực tiễn đã có nhiều kết quả tốt đẹp khi thực hiện phong trào này. Chẳng hạn công việc của cán bộ công chức trẻ hiệu quả hơn, nhiều sáng kiến hiến kế tại các địa phương và được công nhận; xuất hiện những nhân tố điển hình tiêu biểu được tuyên dương. Song, bên cạnh một số cán bộ, công chức trẻ tận tuỵ, cần mẫn, còn một bộ phận cán bộ công chức trẻ thành phố có biểu hiện chưa tích cực, chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ trong công việc. Có cán bộ trẻ còn suy nghĩ chọn việc nhẹ nhàng, thiếu phấn đấu, ngại thay đổi công việc, thiếu tính xung kích, nhận diện vấn đề khó của đơn vị.

Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trương Minh Tước Nguyên phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: THU HƯỜNG

Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trương Minh Tước Nguyên phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: THU HƯỜNG

Ở góc độ người trẻ, chị Châu Minh Hiền, Sở Nội vụ TPHCM khẳng định người trẻ không sợ trách nhiệm, người trẻ thành phố đang tham gia rất nhiều phần việc lớn của thành phố với niềm tin, mục đích là hiệu quả công việc đem lại lợi ích chung.

Hình thành hệ sinh thái trách nhiệm

Về giải pháp, anh Trương Minh Tước Nguyên cho rằng, Trung ương đã có chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung (Kết luận 14 của Bộ Chính trị chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung - PV), do đó, các địa phương, đơn vị phải triển khai hiệu quả chủ trương trên.

"Làm sao cho thấy đó là “tấm lá chắn” để cán bộ, công chức trẻ thành phố dám thay đổi, góp phần xây dựng và phát triển thành phố", anh Trương Minh Tước Nguyên phân tích.

Ở góc độ khác, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM Lê Anh Tuấn nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu. Theo ông, hiện rất nhiều người trẻ có tinh thần trách nhiệm rất cao. Để thực hiện được hành vi có trách nhiệm thì trước hết phải có một lãnh đạo có trách nhiệm, tiếp đó là một tập thể có trách nhiệm và một tổ chức có trách nhiệm, từ đó mới hình thành nên một môi trường có trách nhiệm hay nói như người trẻ hiện nay thì đó là “hệ sinh thái trách nhiệm.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhìn nhận, hiện nay đất nước đối mặt với vô vàn khó khăn và đang có ý kiến cho rằng cán bộ đùn đẩy, sợ sai không dám làm.

“Người trẻ của chúng ta nhận diện và suy nghĩ gì về điều này? Thái độ của người trẻ như thế nào đối với tình hình này?”, đồng chí Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu kết thúc toạ đàm. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu kết thúc toạ đàm. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đồng chí, lợi thế của tuổi trẻ là những người có sức khoẻ, nhiều ước mơ và hoài bão. Tố chất của tuổi trẻ là năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Đồng chí dẫn chứng nhiều câu chuyện cho thấy tố chất của tuổi trẻ là luôn xung kích, tình nguyện trong xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đó là những người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, là xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ, đến các phong trào “3 sẵn sàng” “5 xung phong”. Đến nay, tuổi trẻ cũng xung kích, tình nguyện, làm giàu cho bản thân, góp phần làm giàu cho đất nước.

Đồng thuận với ý kiến còn có người trẻ sợ trách nhiệm, đồng chí Nguyễn Thái Học cho rằng phải xác định rõ tinh thần sợ trách nhiệm có phổ biến không; đồng thời mong muốn thông qua toạ đàm nhận diện rõ nguyên nhân. Ở góc độ cá nhân, đồng chí cho rằng nguyên nhân dẫn đến sợ trách nhiệm trước hết là bản thân của mỗi cán bộ, trong đó có cán bộ trẻ; do môi trường công tác và do vai trò của người đứng đầu.

Để khuyến khích người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương gợi mở, người lãnh đạo cần phải tạo điều kiện để người trẻ phát huy tính xung kích, năng động.

“Cần phải tạo ra môi trường công tác bình đẳng, công bằng, đoàn kết, hết lòng hết sức vì công việc, vì cái chung”, đồng chí Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục