Nhắn tin điện thoại mời người lao động tới TPHCM làm việc

Để kết nối lao động, đối với người lao động đã về quê, các doanh nghiệp đã nhắn tin đến điện thoại mời người lao động trở lại TPHCM tiếp tục làm việc. Điều kiện làm việc tuân thủ theo bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất của doanh nghiệp.  

Ngày 4-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Trong 3 ngày, có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại

Về mở cửa hoạt động trở lại, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin, chỉ trong 3 ngày qua đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị về nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục khai trương, mở cửa trở lại.

Thông tin về tình hình lao động, ông Phạm Đức Hải cho biết, trước ngày 1-10, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM có 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc theo phương thức "3 tại chỗ", hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Số lao động "3 tại chỗ" đang giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động "3 tại chỗ" giảm đã được chuyển thành lao động theo phương thức như bình thường.

Hiện nay, tổng lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là 135.000 lao động, chiếm 46%. Do vậy, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang rất thiếu người lao động.

Nhắn tin điện thoại mời người lao động tới TPHCM làm việc ảnh 1 Quang cảnh buổi họp báo chiều 4-10

Trong khi đó, đối với Khu Công nghệ cao TPHCM, trước ngày 1-10, Khu Công nghệ cao có khoảng 50.000 lao động. Trong đó, có 25.000 lao động theo "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" và số lao động làm việc theo phương thức này đang giảm xuống. Trong 50.000 người lao động ở Khu Công nghệ cao TPHCM, có đến 40.000 người ở TPHCM. Khoảng 10.000 người còn lại đa phần ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Hiện nay, Khu công nghệ cao TPHCM đang khẩn trương mời gọi người lao động trở lại làm việc, đến làm việc phục vụ cho các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TPHCM. 

Về nhu cầu nguồn lao động khi TPHCM mở cửa trở lại, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, trong quý 4-2021, TPHCM có hơn 42.000 người có nhu cầu tìm việc làm. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng 43.600-56.600 người. Để kết nối lao động, đối với người lao động đã về quê, các doanh nghiệp đã nhắn tin đến điện thoại mời người lao động trở lại TPHCM tiếp tục làm việc. Điều kiện làm việc tuân thủ theo bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất của doanh nghiệp. Việc tiêm phòng ra sao, test thế nào thì đã có tiêu chí cụ thể để áp dụng.

Nguồn lao động thứ hai là người lao động tại TPHCM có nhu cầu tìm việc. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, TPHCM có 127 trung tâm, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm. Các trung tâm, đơn vị đang tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm để ráp nối cung – cầu lao động.

Cùng với đó là nguồn lao động từ học sinh trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề ra trường và nhà trường sẽ giới thiệu việc làm tới các doanh nghiệp có nhu cầu. "Đó là 3 nguồn để đảm bảo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Lâm nói.

Tạm dừng hoạt động nếu vi phạm an toàn phòng chống dịch

Về việc tạm dừng hoạt động đối với siêu thị Emart tại quận Gò Vấp vào ngày 3-10 do không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, siêu thị đã tiếp nhận khách vào siêu thị đông. Siêu thị cũng không đảm bảo giãn cách giữa người dân với người dân; chưa có phân luồng để đảm bảo di chuyển một chiều…

Chiều 4-10, Sở Công thương TPHCM và quận Gò Vấp đã kiểm tra lại, ghi nhận siêu thị đã đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người đi siêu thị. Siêu thị đã khắc phục và đảm bảo các tiêu chí để hoạt động nên được hoạt động trở lại.

Trả lời về giám sát các siêu thị, chợ truyền thống, các doanh nghiệp theo phương án cụ thể như thế nào, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, TPHCM đã có bộ tiêu chí cho các cơ sở thực hiện. Trường hợp kiểm tra, nếu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, chợ đầu mối có vi phạm một trong các tiêu chí thì dừng lại, bởi nguyên tắc là phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch là trên hết.

"Sở Công thương TPHCM và cơ quan chức năng sẽ phối hợp kiểm tra thường xuyên, không có kế hoạch cụ thể", ông Lê Huỳnh Minh Tú nhấn mạnh. 

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú khẳng định, TPHCM chưa có chủ trương cho các chợ tự phát hoạt động trở lại. Chỉ có các chợ truyền thống và trung tâm trung chuyển hàng hóa ở chợ đầu mối được hoạt động trở lại với điều kiện phải đảm bảo các tiêu chí, đảm bảo an toàn phòng chống dịch là trên hết.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, đặc thù của những nơi này là người dân ra vào rất nhiều nên phải tổ chức chặt chẽ, tránh lây nhiễm trong quá trình kinh doanh buôn bán, đi chợ của người dân.

Đề cập đến việc kinh doanh tại gia đình, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, nếu thuộc các ngành, lĩnh vực mà Chỉ thị 18 cho phép hoạt động và việc kinh doanh đúng pháp luật, thì người dân được kinh doanh tại nhà. Riêng việc kinh doanh ở vỉa hè thì trước nay không cho phép, trừ một số khu vực đặc thù có quy định cụ thể.

Tin cùng chuyên mục