Sai kiến thức sơ đẳng
Báo Người Lao Động ngày 28-3-2007, trong bài “Bệnh “búp bê”: Sống nhờ ăn bắp”, tác giả T.D. dẫn lời một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 viết rằng: “Hàm lượng đường glucose trong máu luôn nằm ở mức độ cho phép. Khi hàm lượng này cao quá mức độ cho phép sẽ gây bệnh tiểu đường, còn khi thấp quá sẽ gây bệnh cao huyết áp” (?!). Tôi nghĩ chắc đây là một sự nhầm lẫn của tác giả bài báo, chứ nguyên nhân cao huyết áp – ngay cả nhiều người dân có tìm hiểu về bệnh này cũng biết, chứ nhân viên y tế, nhất là bác sĩ, không ai lại có phát biểu nhầm lẫn “mắc cười” như vậy.
CHI CHI
“Đêm trừ tịch” !?
Ý nghĩa “đêm trừ tịch”, hầu như mọi người ai cũng hiểu đó là đêm giao thừa, đêm cuối năm âm lịch, đêm 30 Tết (dùng cả cho đêm 29 Tết nếu là tháng chạp thiếu). Mà đã là đêm 30 thì hiển nhiên đó là đêm không trăng, là đêm quyết không có một tẻo tẹo trăng nào, và cái khái niệm “tối như đêm ba mươi” vẫn luôn luôn đúng, tất nhiên phải loại trừ những khu vực… đèn, điện sáng choang!
Ấy vậy mà trong bài “Tiếng hát bên bờ đê” của N.T.L (SGGP 11-3-2007) có đoạn viết: “Tiếng đàn ngân nga trong đêm trừ tịch, giọng ca mùi mẫn ngọt ngào lan tỏa trên cánh đồng bàng bạc ánh trăng…”. Phải chăng tác giả trong một phút văn chương cao hứng đã phóng bút mà viết… lố chút đỉnh?
TRƯƠNG NGỌC
Nhớ sai lịch sử
Báo Đặc san Công An thứ bảy 24-3-2006 nơi trang 4 có đăng bài “Lê Duẩn trong những năm đánh Mỹ”. Ở đoạn cuối, tác giả viết: “Bẻ gãy ý chí của kẻ xâm lược, buộc chúng từ bỏ cuộc chiến là điều chủ yếu. Do đó, sau một loạt chiến thắng quân sự, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã thuyết phục Liễu Thăng rút quân về nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho chúng rút khỏi nước ta bằng việc cấp ngựa xe…”
Xem lại bài “Bình Ngô đại cáo”, ta thấy Nguyễn Trãi viết:
“Ngày mười tám, Liễu Thăng bị đánh,
sa cơ ở Chi Lăng,
Ngày hai mươi, Liễu Thăng bị thua,
bỏ mạng ở gò Yên Ngựa…”
(Trúc Khê dịch)
Vậy Liễu Thăng đã bị tử trận rồi, còn sống đâu mà “rút quân về nước”? Những kẻ được cấp lương thực, thuyền bè và ngựa để về nước là Vương Thông, Mã Kỳ, Mã Anh, Phương Chính.
Tác giả nhớ sai lịch sử rồi đó.
XUÂN HUY
Olympia là ngọn núi nào, ở đâu?
Ngày 2-4-2007, hầu như tất cả các tờ báo trong nước đều đưa tin về kết quả vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 7 được Đài VTV3 truyền hình trực tiếp hôm trước. Tôi đọc và cảm thấy “lấn cấn” ở chỗ: từ một cái tên chương trình bị đặt sai, hầu như cả nước đều bị sai theo khi nhắc đến chương trình này. Vì rằng ở Hy Lạp nói riêng và thế giới nói chung, không có một ngọn núi nào được mang tên “Olympia” để người ta phải cố gắng chinh phục nó. Về vấn đề này, đã có vài bài báo phân tích, góp ý cụ thể, nhưng rất tiếc, không nhận được bất cứ một sự phản hồi nào!
“Đường lên đỉnh Olympia” là một trò chơi truyền hình có tính giáo dục và khoa học, nên đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối về nội dung, kể cả cái tên của chương trình. Do vậy, tôi đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo cần làm việc với lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam để bàn bạc, trao đổi thống nhất việc chọn tên chương trình một cách hợp lý. Chẳng thà nói “Đường lên đỉnh Himalaya” hoặc “đỉnh Hoàng Liên Sơn”… nghe còn có vẻ hợp lý; chứ cứ “Đường lên đỉnh Olympia” mãi, thì xin vui lòng trả lời hộ tôi cùng tất cả bạn xem đài: Olympia là ngọn núi nào, ở đâu?
PHAN TRỌNG HIỀN
(Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh)