Nhiều công trình, sáng kiến được trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn: Hòa nhịp hơi thở cuộc sống

Hàng chục sân chơi cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được hình thành từ vật liệu sau sản xuất; Ứng dụng chuyển đổi số vào việc học tập các bài lý luận chính trị cho đoàn viên và thanh niên; Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh với thanh thiếu nhi được thực hiện từ năm 1999 đến nay; hay chương trình “Chuyến xe mùa xuân” đưa hàng chục ngàn sinh viên về quê đón tết mỗi dịp xuân về...

Đó là 4 trong 12 công trình, sáng kiến được tuyên dương, trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2024 vào tối nay 22-3.

Cho nụ cười lan tỏa

Một năm qua, khu vui chơi đầy màu sắc với bập bênh, xích đu, ngựa gỗ làm từ vỏ xe, thanh sắt… đặt trong khuôn viên sân trường trở thành điểm vui chơi của học sinh Trường Tiểu học An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TPHCM). Đây là một trong hàng chục sân chơi thiếu nhi được đoàn viên, thanh niên Đoàn Xí nghiệp ô tô cơ khí An Lạc (thuộc Đoàn Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - Samco) thực hiện từ năm 2018 đến nay.

V3a.jpg
Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học An Nhơn Tây khi vui chơi tại sân chơi thiếu nhi được trao tặng từ vật liệu sau sản xuất

Chia sẻ về những công trình ý nghĩa này, anh Nguyễn Thanh Phong, Phó Bí thư Đoàn Xí nghiệp ô tô cơ khí An Lạc, cho biết, hơn 7 năm trước, trong quá trình thu gom, tập kết phế liệu, đoàn viên, thanh niên xí nghiệp nhận thấy có thể tận dụng một số phế liệu để tái chế, thực hiện công trình sân chơi cho thiếu nhi ở những địa bàn khó khăn.

Từ ý tưởng ban đầu, đoàn viên, thanh niên xí nghiệp bắt tay thực hiện giải pháp tận dụng vật liệu dư sau quy trình sản xuất xe khách, xe buýt, vỏ xe cũ để làm công trình thanh niên đầu tiên tại Nhà máy ô tô Củ Chi. Sau đó, đoàn viên, thanh niên xí nghiệp tiếp tục hoàn thành nhiều công trình phục vụ thiếu nhi ở những nơi còn nhiều khó khăn tại TPHCM và một số tỉnh, thành phố khác.

Theo anh Phong, các công trình vui chơi cho thiếu nhi đã phát huy ý tưởng sáng tạo của thanh niên công nhân trong thiết kế. Các vật dụng đ chơi có mẫu mã đa dạng, đảm bảo an toàn và độ bền. “Nhìn nụ cười của các em khi được vui chơi tại các công trình vừa hoàn thành, chúng tôi thấy mình có thêm động lực, niềm tin để thực hiện thêm nhiều công trình khác”, anh Phong bày tỏ.

Những nụ cười tỏa nắng cũng được chúng tôi bắt gặp ở các chương trình “Chuyến xe mùa xuân” vào mỗi dịp xuân về do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM thực hiện. Được khởi xướng và thực hiện thường niên từ năm 2002 đến nay chương trình đã giúp hơn 60.000 sinh viên khó khăn được đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày tết đến.

Nếu từ năm 2002 đến 2004, trung tâm triển khai 2 hoạt động chính là hỗ trợ sinh viên mua vé tàu giảm giá, vé xe giá rẻ và tặng vé xe cho sinh viên về quê đón tết, thì đến năm 2005, khi có nguồn lực xã hội hóa, chương trình đã tổ chức thành những chuyến xe đưa sinh viên khó khăn từ TPHCM, Hà Nội về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

V1a.jpg
Sinh viên, người lao động khó khăn được hỗ trợ về quê đón Tết Giáp Thìn trong chương trình “Chuyến xe mùa xuân”

Đến nay, chương trình đã lan tỏa tình nhân ái, sự sẻ chia để làm nên một mùa xuân ấm áp, một mùa tết sum vầy, hạnh phúc đến mọi người, mọi nhà.

Rộng mở không gian học tập

Sau thời gian dành cho các tiết học, sinh viên Nguyễn Phúc Cát Tường (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) mở điện thoại, vào trang https://vle.hcmue.edu.vn/ để tìm hiểu về “Thông tin nhanh kết quả Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM lần thứ XI và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII”. Mấy năm nay, Tường luôn tìm hiểu, học các bài lý luận chính trị, nghị quyết theo cách này. Cách tiếp cận này không làm Tường ngán, bởi tính mới, sáng tạo trong từng bài học và đặc biệt là có thể chủ động thời gian học tập, không phải ngồi trong hội trường cả ngày để nghe giảng.

“Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên thông qua việc học tập các bài lý luận chính trị số 5” là sáng kiến của Đoàn Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ngoài 4 bài học được thực hiện theo hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM, Đoàn Trường ĐH Sư phạm TPHCM triển khai ghi hình bổ sung bài số 5 trong các bài lý luận chính trị theo từng học kỳ.

Qua đó tăng cường việc giáo dục chính trị, tư tưởng và cung cấp các thông tin thời sự, các nội dung có tính mới liên quan đến các sự kiện chính trị quan trọng của các cấp liên quan đến công tác Đoàn, Hội cho đoàn viên, thanh niên. Theo Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm TPHCM Nguyễn Vũ Hoài Ân, đây là một trong những sáng kiến nhằm triển khai học tập các bài lý luận chính trị dành cho đoàn viên của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đồng thời thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong công tác Đoàn.

Hình thức học tập là ghi hình, biên tập và xây dựng học liệu giáo dục dưới dạng video trên hệ thống “Cổng thông tin đào tạo trực tuyến Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh” (https://vle.hcmue.edu.vn/). Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập và cấp giấy chứng nhận cũng được thực hiện trực tuyến trên hệ thống. Từ năm 2020 đến tháng 5-2023, đã có 13.758 đoàn viên hoàn thành học tập các bài lý luận chính trị.

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ ra mắt nhiều ấn phẩm mới thuộc Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh. Tủ sách được thực hiện từ năm 1999, sau 25 năm thực hiện đã có hơn 60 đầu sách về các nội dung xoay quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều đầu sách quý. Ngoài ra, từ năm 2023, NXB Trẻ đã số hóa, xuất bản trọn bộ sách điện tử Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.


Giải thưởng Hồ Hảo Hớn được thành lập từ năm 2002 để trao cho các tập thể, cá nhân có sáng kiến mới, áp dụng thành công vào thực tiễn hoặc có đề tài nghiên cứu về công tác thanh niên đóng góp cho sự phát triển của tổ chức Đoàn.

Tin cùng chuyên mục