Nhiều ĐBQH đồng tình với kiến nghị về cai nghiện của TPHCM

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi: 

Đoàn ĐBQH TPHCM đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy tại TPHCM. Ngày 28-10, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH về vấn đề này.

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi: 

Trước đây, khi TPHCM thực hiện Nghị quyết 16 đã đưa vào các trung tâm cai nghiện 32.000 người nghiện. Xã hội lúc đó trở lên bình yên. Tức là chúng ta phải chấp nhận trừng phạt một nhóm người nhỏ để bảo đảm bình yên cho số đông nhân dân.

Nghiện ma túy phải xác định là bệnh lý. Từ bệnh lý mà ra tội phạm. Vậy thì những người nghiện phải được quản lý, phải được xem xét và tính toán để ngăn chặn những hành vi trộm cắp, phá hoại, gây thương tích cho xã hội. Nếu chúng ta không bảo đảm xã hội trật tự yên ấm thì làm sao phát triển được kinh tế. Kinh tế không phát triển được thì lại dẫn đến tiêu cực trong xã hội. Mà TPHCM lại là đầu tàu kinh tế của cả nước nên càng phải quan tâm.

Với kiến nghị của TPHCM, tới đây các cơ quan chức năng phải ngồi với nhau để xử lý một phương pháp thực thi. Về mặt pháp luật, tôi nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cơ bản ủng hộ. Vấn đề là bàn cách thức tổ chức thực hiện ra sao để bảo đảm nhanh gọn, không trái luật. Có thể ngay trong kỳ họp này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đứng ra làm trung gian để mời các cơ quan chức năng thảo luận về kiến nghị của TPHCM.

* Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở: 

Liên quan đến vấn đề cai nghiện, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do tòa án cấp huyện xem xét. Tôi cho rằng cần tính toán lại. Vì trong thực tiễn các cơ quan thực thi pháp luật rất khó khăn trong vấn đề xử lý cai nghiện ma túy và giáo dục tại cộng đồng. Theo tôi, trên cơ sở xem xét từ tình hình thực tiễn, Quốc hội không cần phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính mà có thể có nghị quyết để điều chỉnh vấn đề này. Nghị quyết sẽ khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn mà các địa phương, cơ quan thực thi pháp luật đang vấp phải trong xử lý cai nghiện. Tôi đồng tình với kiến nghị của Đoàn ĐBQH TPHCM về việc Quốc hội có nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8 để TPHCM xử lý vấn đề này.

* Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh: 

Chúng ta tôn trọng quyền tự do của con người, việc tập trung người nghiện cũng là để cứu con người ra khỏi bùn lầy. Chúng ta phải hiểu nội hàm của việc đó chứ không phải bắt anh vào trung tâm cai nghiện là nghĩ rằng anh mất hoàn toàn quyền công dân. Thực tế tại TPHCM cho thấy chúng ta cần phải xem lại trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật và kể cả cơ quan thẩm tra. Kể cả việc thực thi Luật Xử lý vi phạm hành chính, đến nay chúng ta vẫn chưa ban hành xong quy trình, thủ tục để đến bây giờ đưa một người vào cơ sở cai nghiện phải qua 11 công đoạn, giấy tờ; thông tư thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Tại sao ta học mô hình nước ngoài không học “cho trót” rằng, 1 ngày, tòa án họ có thể tuyên bố 50 người vào trại cai nghiện? Việc quản lý như hiện nay khiến cho 60% con nghiện, tội phạm từ đây mà ra làm cho tình hình trật tự xã hội càng thêm phức tạp.

Những điều khoản hiện nay của luật cần phải được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để khi thực hiện, nếu có vướng mắc thì chỉnh sửa. Từ câu chuyện bất cập nảy sinh ở TPHCM, tôi nghĩ rằng cũng cần phải quy trách nhiệm với những cơ quan tiếp thu giải trình dự án luật để khi các bất cập nảy sinh, được dự báo trước, phải tiến hành sửa đổi.

* Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng: 

Tôi đồng ý với đề xuất của Đoàn ĐBQH TPHCM. Tôi cho rằng, nếu thực thi kiến nghị đó thì không có gì ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền. Có một cơ chế để xử lý vấn đề cai nghiện sẽ tốt cho TPHCM cũng như một số địa phương khác khi có quá nhiều người nghiện gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quản lý nhà nước trên địa bàn và làm người dân bất an.

* ĐBQH Bùi Thị An (TP Hà Nội):

Trong tiếp xúc cử tri và theo dõi thực tiễn, tôi thấy nguồn gốc của các vụ án nghiêm trọng ở trong xã hội, có tỷ lệ rất lớn là do người nghiện gây ra. Cho nên phải làm thế nào để đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung với thủ tục đơn giản mà vẫn bảo đảm nhân quyền. Còn với hiện trạng hiện nay, tôi thấy rằng đây là vấn đề bức xúc không chỉ của TPHCM mà còn ở cả Hà Nội.

Luật được ban hành mà không giải quyết được vấn đề thực tiễn thì vừa lãng phí, vừa làm cho người dân mất niềm tin. Thực ra, không chỉ phải giải quyết được vấn đề nhân quyền mà còn là nhân đạo. Đưa họ vào cai nghiện là để giải quyết những hậu họa cho gia đình họ, bảo vệ hạnh phúc, kinh tế của gia đình họ, nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì sẽ gây hoang mang cho người dân. Trước đề xuất của TPHCM, tôi hoàn toàn đồng tình.

NGỌC QUANG - PHAN THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục