Nhiều doanh nghiệp Anh đang tìm đối tác ở Việt Nam

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, trong khi hàng loạt thị trường xuất nhập khẩu đều sụt giảm thì thị trường Vương quốc Anh lại đi ngược. Số dự án của Anh đầu tư vào Việt Nam đang gia tăng, nhiều doanh nghiệp Anh đang săn tìm đối tác ở Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm “Tận dụng cơ hội hợp tác, đầu tư với doanh nghiệp Anh trong UKVFTA”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) thông tin, từ khi UKVFTA có hiệu lực thì Vương quốc Anh là một trong những thị trường rất đáng chú ý với Việt Nam.

img-4244-7000.jpeg
Ông Ngô Chung Khanh tại cuộc tọa đàm

Hàng hóa mà Vương quốc Anh xuất khẩu nhiều sang Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu cho da giày, dệt may và các nguyên phụ liệu sản xuất khác. “Chúng ta cần nguồn nguyên liệu này, giúp các công ty của chúng ta tận dụng để xuất khẩu trở lại Vương quốc Anh. Từ đó tận dụng được lợi thế từ UKVFTA mang lại”, ông Khanh chia sẻ.

Dẫn lại sự kiện vừa rồi ông David Johnstone, người phụ trách về thực thi FTAs của Vương quốc Anh, sang Việt Nam để tìm hiểu kinh nghiệm thực thi CPTPP của Việt Nam và mong hai bên phối hợp với nhau trong quá trình thực thi CPTPP, ông Khanh cho biết, hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Vương quốc Anh. “Làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Anh và ngược lại, doanh nghiệp Anh có thể tham gia vào hệ sinh thái xuất khẩu của Việt Nam”, ông Khanh nói và lưu ý, Vương quốc Anh rất mạnh về dịch vụ tài chính.

img-4245-2186.jpeg
Ông Bob Fletcher tham gia tọa đàm trực tuyến

Kể từ thời điểm triển khai UKVFTA từ tháng 5-2021, ông Bob Fletcher - Giám đốc Dịch vụ hải quan và Thương mại toàn cầu Deloitte Vietnam đánh giá, Hiệp định đã mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp Anh tại Việt Nam. Hiệp định đã đơn giản hóa các thủ tục và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp Anh có dự định thành lập, đầu tư, tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, hiệp định cũng đã mở ra những cơ hội mới để các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ông Bob Fletcher cho rằng, những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Anh đang quan tâm, tăng cường đầu tư hợp tác tại Việt Nam, bao gồm: năng lượng tái tạo như năng lượng gió, truyền tải và lưu trữ năng lượng, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ và cuối cùng là các lĩnh vực giáo dục, đồ uống và thực phẩm, công nghiệp ô tô.

img-4246-4514.jpeg
Các diễn giả tham gia tọa đàm

Bất chấp những khó khăn về dịch bệnh và suy thoái kinh tế, số dự án mà doanh nghiệp Anh đầu tư vào Việt Nam đang tăng mạnh. Anh hiện đứng thứ 15 trên tổng số 143 nước có hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã tăng đáng kể vào năm 2022 lên tới 10% so với năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023, hầu hết các thị trường đều sụt giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022; đồng thời xuất khẩu của chúng ta sang Vương quốc Anh tăng khoảng 1,9%.

ba-phan-thi-thanh-xuan-6860.jpeg
Bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ thông tin tại cuộc tọa đàm

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, trong khi các thị trường khác sụt giảm thì xuất khẩu da giày Việt Nam sang thị trường Anh tăng trưởng rất tích cực. Bởi, cơ bản thị trường Anh vẫn là thị trường chính của ngành da giày Việt Nam. Khi Anh vẫn còn trong khối EU thì tỷ trọng nhập khẩu của thị trường Anh chiếm 25-30%. Khi Anh rời khỏi EU thì Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ký hiệp định trực tiếp với thị trường này, nhờ vậy, xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam vào thị trường Anh không bị gián đoạn.

“Năm 2023, như chúng ta đã biết, tình hình rất khó khăn khi hầu như các thị trường đều sụt giảm xuất khẩu, có những thị trường giảm tới 30%, nhưng riêng thị trường Anh thì lại tăng trưởng tới 11%”, bà Xuân cho biết.

Tin cùng chuyên mục