Nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết

Chiều 13-6, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực miền Nam dưới sự chủ trì của PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 39.317 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện, trong đó có 1.193 mắc nặng và 36 trường hợp tử vong.

Đặc biệt, số ca mắc SXH tăng nhanh trong 4 tuần trở lại đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% ca tử vong tích luỹ từ đầu năm đến nay. Các địa phương có số ca mắc và tử vong tăng cao: TPHCM (8 ca), Bình Dương (8 ca), Đồng Nai (5 ca), Tây Ninh (5 ca)…

Nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết ảnh 1 PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
So sánh với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH khu vực phía Nam tăng gần gấp đôi, số ca mắc trên 100.000 dân tăng 82%, tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc tăng 4,5 lần, tỷ lệ tử vong trên số ca mắc nặng tăng 2 lần.

Lý giải về nguyên nhân gia tăng SXH thời gian qua, bác sĩ Lương Chấn Quang cho rằng, nhiều địa phương không triển khai được hoạt động kiểm soát véc tơ truyền bệnh, thiếu mức chi tiền công diệt lăng quăng, phun hóa chất, không được duyệt kinh phí, hóa chất, máy phun không đủ,…

“Công tác mua sắm hóa chất năm nay đều nằm trên giấy, bên cạnh đó sau đợt phòng chống Covid-19, nhân sự mới chưa huấn luyện nhiều, nhiều ca bệnh bị bỏ sót, không mua kịp sinh phẩm chẩn đoán xác định ca bệnh, thiếu dịch truyền cao phân tử phù hợp. Nhân sự tại các bệnh viện tuyến tỉnh chưa có kinh nghiệm nhiều, khi bệnh nhân nặng đến nên khó phân biệt, diễn tiến ca bệnh nhanh, trở tay không kịp”, bác sĩ Lương Chấn Quang thông tin.

Theo bác sĩ Lương Chấn Quang, dự báo thời gian tới, số ca mắc SXH và số ca tử vong tiếp tục tăng nếu không có giải pháp kịp thời. Các tỉnh thành cần tham mưu lãnh đạo địa phương tăng cường phòng chống SXH. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về mức chi, từ đó ban hành kế hoạch phòng chống SXH; đồng thời lập các đoàn kiểm tra giám sát, các điểm ngoài điểm nóng đoàn kiểm tra giám sát không đến nơi.

Để giảm số ca tử vong do SXH, cần thành lập tổ nhóm trong bệnh viện, hỗ trợ các bác sĩ điều dưỡng mới, đảm bảo an toàn chuyển viện, huấn luyện dịch tễ.

Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, các địa phương cần tham mưu cho các ban ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế triển khai, giám sát, truyền thông phòng chống SXH. Đối với các địa phương thiếu thuốc và dịch truyền, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, sẽ yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Quản lý Dược giải quyết khẩn trương việc mua thuốc, dịch truyền để cung cấp cho các tỉnh, thành phố; tăng cường đào tạo công tác điều trị cho các cơ sở y tế.

Tin cùng chuyên mục