Nhiều khu vực sông Đà cạn nước

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, những ngày gần đây, một số đoạn của dòng sông Đà đang cạn trơ đáy.

Nơi cạn trơ đáy là hạ lưu sông Đà đoạn qua huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Ảnh: HỒ HẠNH
Nơi cạn trơ đáy là hạ lưu sông Đà đoạn qua huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Ảnh: HỒ HẠNH

Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng tới 5 nhà máy thủy điện đang vận hành là: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng và Bản Chát. Bởi lẽ, đoạn sông cạn nằm ở hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình (thuộc một phần địa phận hai tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và TP Hà Nội), còn ở khu vực thượng lưu sông Đà vẫn nhiều nước.

Tại hồ thủy điện Hòa Bình, cập nhật đến chiều 17-1, mực nước của hồ này vẫn ở mức 116,48m (trong khi mực nước dâng bình thường là 117m và mực nước chết quy định là 80m), tổng lưu lượng xả là 227m3/giây (qua các tổ máy phát điện). Tương tự, tại hồ thủy điện Sơn La, mực nước là 215m (bằng mực nước dâng bình thường), lưu lượng nước về hồ bằng lưu lượng xả (448m3/giây, qua các tổ máy). Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lượng nước của các hồ chứa thượng lưu sông Đà vẫn đủ cho hoạt động của thủy điện, không ảnh hưởng tới sản lượng và quá trình vận hành. Lưu lượng nước ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định.

Từ cuối năm 2023 đến nay, hạ lưu sông Đà cạn nước, làm trơ móng trụ cầu Trung Hà (nối TP Hà Nội với tỉnh Phú Thọ), đồng thời đoạn qua huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) và huyện Ba Vì (TP Hà Nội), huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) xuất hiện một số bãi bồi, ven bờ cũng nổi bãi cát. Nguyên nhân là ít mưa, miền Bắc đang trong mùa khô hạn.

Dự kiến sắp tới, EVN sẽ xả 2 đợt nước. Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc các hồ chứa thủy điện (nhất là hồ Hòa Bình) xả nước sẽ khắc phục tình trạng hạ du sông Đà khô hạn như thời gian qua. EVN cũng thông báo sẽ vận hành tối đa các nhà máy thủy điện ở phía Bắc để duy trì mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội (sông Hồng) đạt trung bình khoảng 1,7-1,9m. Hiện EVN đang chuẩn bị kịch bản để 3 tháng mùa khô năm 2024 không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm 2023 và đáp ứng kịch bản GDP tăng 6%-6,5% cùng tốc độ tăng trưởng điện 9,4%-9,8%. Tuy nhiên, EVN chỉ chiếm gần 38% tổng cơ cấu nguồn điện, còn lại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 8%, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khoảng 2% và 52% nguồn điện phụ thuộc vào các chủ đầu tư nhà máy điện BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), các nhà máy điện tư nhân.

Tin cùng chuyên mục