Nhiều nơi ở miền Bắc bán xăng dầu nhỏ giọt

Không chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, trong 2-3 ngày qua, hiện tượng cung ứng xăng dầu nhỏ giọt theo định mức do thiếu hoặc có dấu hiệu găm chờ tăng giá đã lan ra nhiều địa phương khác ở miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai. 

Tại một số cửa hàng xăng dầu ở Sơn La, Lào Cai… đã xuất hiện tình trạng người dân cùng phương tiện xếp hàng dài tràn ra lề quốc lộ 6. Dọc quốc lộ 1A, dù chưa có cảnh ùn ứ song nhân viên các trạm xăng chỉ bán nhỏ giọt theo định mức 50.000 đồng/xe máy và 300.000 đồng/ô tô. Nhiều người dân cho rằng, tình trạng trên nhằm để chờ thời điểm liên bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh lại giá bán mới vào chiều 11-11. 

Sở Công thương tỉnh Lào Cai cho biết, trong tổng số 88 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn có 8 cửa hàng rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu, đã treo biển “hết xăng còn dầu”… Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã vào cuộc, phát hiện 3 doanh nghiệp vi phạm về mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng, buộc nộp lại hơn 456 triệu đồng thu lợi bất hợp pháp.

Nhiều nơi ở miền Bắc bán xăng dầu nhỏ giọt ảnh 1 Tình trạng xếp hàng chờ đổ xăng ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Trong khi theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, và một số chuyên gia kinh tế, khan thiếu xăng dầu đang là tình trạng chung của thế giới và có nguy cơ căng thẳng hơn trong thời gian tới nên việc nhập khẩu xăng dầu hiện nay thực sự khó khăn.

Sự khan hiếm này một mặt khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung, mặt khác làm chi phí tạo nguồn của doanh nghiệp, bao gồm premium (hoa hồng trả cho đối tác) nhập khẩu bị đẩy lên rất cao. Đến tháng 11-2022, các hợp đồng đã ký kết thậm chí có mức premium lên tới 11-12 USD/thùng, mức đỉnh trong hàng chục năm nay.

Yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu là mức thuế nhập khẩu không đồng đều ở các khu vực, thị trường nhập khẩu. Đối với các nước ASEAN, theo Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), hiện mức thuế suất nhập khẩu cho xăng là 8%, dầu diesel là 0%.

Trong khi với các thị trường khác theo cơ chế thuế tối huệ quốc (MFN), dù tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì giảm từ 20% xuống 10% nhưng vẫn chênh 2% so với nhập khẩu từ các nước ASEAN. Thêm nữa, thuế nhập khẩu MFN với mặt hàng dầu diesel vẫn ở mức cao là 8% khi đặt cạnh con số 0% của AFTA.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, với mức chênh lệch như vậy, các doanh nghiệp luôn hướng tới các mặt hàng xăng dầu có xuất xứ từ ASEAN để được hưởng ưu đãi. Song, nguồn hàng tại các thị trường này không có nhiều.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn trong bối cảnh chung của thế giới nhưng nguồn cung xăng dầu sẽ vẫn được đảm bảo. Những giải pháp đồng bộ cần tiếp tục được triển khai, bao gồm giải quyết các vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp để đảm bảo tiến độ thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu mà Bộ Công thương đã phân giao bổ sung. Đồng thời rà soát và điều chỉnh công thức giá cơ sở đối với hàng nhập khẩu. Việc xem xét và sắp xếp lại hệ thống cung ứng xăng dầu một cách hợp lý cũng cần thiết khi thị trường bình ổn trở lại.

Ngày 10-11, liên ngành gồm Sở GTVT, Sở Công thương và Phòng Cảnh sát giao thông vừa có đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép Sở GTVT chấp thuận cho ô tô vận chuyển xăng dầu có tải trọng từ 10 tấn trở lên theo danh sách đề nghị của Sở Công thương được phép hoạt động 24/24 giờ trong tối đa 3 tháng, hết thời hạn các đơn vị có nhu cầu vận chuyển tiếp thì đề xuất xin gia hạn. 

Tin cùng chuyên mục