Với người dân phương Nam, khác với hoa đào miền Bắc, mai vàng dẫu có thể nở nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng cứ đến độ tháng 12 âm lịch, thấy cánh hoa khoe sắc là biết tết sắp về. Khoảng ngày 15 âm lịch trở đi, từ các nhà vườn cho đến những chậu mai nhỏ trồng ở ban công mỗi gia đình, ai nấy đều chuẩn bị lặt lá mai. Nhìn những nụ mai chúm chím, lớn lên mỗi ngày và chỉ đợi đến độ căng tròn để nhất loạt bung nở thấy cũng ấm lòng. Mai vàng không chỉ là tín hiệu báo xuân sang. Nó còn mang theo cả niềm tin, sự hy vọng vào một năm khởi sắc sau thời gian dài TPHCM và các tỉnh thành phía Nam liên tục “ăn tết sớm”, như cách nói vui trong thời gian giãn cách.
Khi mai vàng bắt đầu rục rịch xuống phố, được sắp xếp ngay ngắn trên những con đường đông đúc xe cộ qua lại, rung rinh trong cái nắng vàng tươi cũng là lúc sắc đỏ dần ngập tràn nơi phố phường. Đó là những cửa hàng, xe hàng rong bán đủ các loại đồ trang trí tết. Những dây treo nhỏ dành để trang trí cây mai, cây tắc đủ mẫu mã, kiểu dáng. Nào là hình đồng tiền cổ, câu đối, bông mai, dây pháo… Chậu mai vàng có thêm vài dây treo nhỏ, sắc đỏ càng nổi bật hơn. Các loại đồ trang trí lớn hơn dùng để treo trong nhà, ngoài ngõ, dán ở cửa ra vào còn phong phú, đa dạng gấp bội.
Người Việt nói chung, đặc biệt người dân phương Nam, luôn chọn hai sắc đỏ - vàng trang trí cho ngày tết. Chị Tố Như chia sẻ thêm: “Năm nào cũng mua một mớ đồ trang trí tết, xong lại cất đi để qua năm chơi tiếp. Nhưng ra đường những ngày cuối năm, thấy không khí rộn ràng, kiểu gì cũng phải lựa thêm vài món đồ mới. Năm qua dẫu khó khăn nhưng nhà cửa cũng phải có thêm màu sắc cho phấn chấn tinh thần”.
Nhiều người vẫn nói đùa, khoảng 2 năm trở lại đây được “ăn tết” nhiều hơn vì các đợt giãn cách kéo dài do dịch bệnh. Nhưng Tết Nguyên đán vẫn là dịp đặc biệt. Năm nay, nhiều người xa xứ chọn về quê sớm để chuẩn bị tết, phần cũng phải tính toán thời gian kỹ hơn do yêu cầu cách ly của mỗi địa phương. Sân bay, bến xe dẫu chưa phải thời điểm nhộn nhịp nhất nhưng nhìn khuôn mặt háo hức được trở về đoàn tụ gia đình của nhiều người vẫn đầy hân hoan.
Đoàn viên sau đại dịch, nhất là khi gia đình còn đủ đầy thành viên, đã là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Những hối hả, bận rộn, chật chội, bon chen nơi phố phường tạm thời được để lại phía sau, nhường không gian cho cuộc sum vầy. Người ở lại cũng tất bật hơn cho những công việc còn sót lại của năm cũ và háo hức cho kế hoạch năm mới.
Dẫu còn lắm lo toan, bộn bề nhưng khi tết cận kề, lòng vẫn cứ hân hoan, háo hức đến lạ.
Phương Nam 2 mùa nắng mưa, nhưng thời điểm cận tết là khoảng thời gian thời tiết đẹp nhất trong năm. Ngày nắng vàng rực rỡ nhưng không gắt và khó chịu như độ tháng 3 đến tháng 6. Sáng sớm hay buổi tối không khí se lạnh, tựa tiết trời thu Hà Nội. Ra đường vào thời điểm này, thêm chiếc áo khoác mỏng, thậm chí chiếc khăn quàng cổ, cảm giác cũng đặc biệt hơn. |
Các tin, bài viết khác
-
Xóa tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong quản lý, phát triển đô thị
-
Bình Phước: Thêm 3 cháu bé đuối nước thương tâm
-
TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển
-
VEC tiếp tục chây ỳ sửa chữa hư hỏng trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
-
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tập trung giải ngân nhanh vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm
-
1.098 tỷ đồng nâng cấp đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn
-
Hai du khách người Anh tử vong do tai nạn giao thông tại TP Hội An
-
Vụ di tích Lũy Thầy và sông Lũy Thầy bị xâm hại: Các cơ quan chức năng vào cuộc
-
Chuẩn bị nguồn cán bộ trẻ chất lượng cho cơ sở
-
Xe không dán thẻ ETC trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Bị phạt nguội, tước giấy phép