
Hàng năm cứ gần đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) trong lòng tôi lại trào dâng bao kỷ niệm về một thời làm báo, về những người đồng nghiệp ở báo Quân khu 7 như: anh Mai Bá Thiện, Vũ Xiêm, Trần Thế Tuyển, Tất Thắng… Giờ đây có người đã nghỉ hưu, người đang làm việc và có người không còn nữa. Song ở nơi nào chúng tôi vẫn nghĩ và nhớ về nhau. Trong bài viết ngắn ngủi này tôi xin được nhắc về anh Mai Bá Thiện, người thủ trưởng, người anh cả một thời của báo Quân khu 7. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp anh đi ở tuổi lục tuần. Song tình anh vẫn mãi ở lại với chúng tôi và bao đồng đội.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 tỉnh Gia Lai vui mừng đón nhận những ấn phẩm do Báo SGGP trao tặng. Ảnh: THÁI BẰNG
Hồi ấy, tôi về báo Quân khu khi chiến tranh biên giới Tây Nam vừa nổ ra. Chân ướt chân ráo tôi và Trần Thế Tuyển khoác ba lô theo Sư đoàn 5 chiến đấu trên mặt trận Thiện Ngôn Xa Mát. Trước hôm chia tay anh đã khao tôi và Tuyển bữa cầy tơ. Đêm đó anh không về nhà riêng ở khu tập thể mà ngủ lại trong cơ quan báo, chúng tôi trò chuyện tới khuya mới đi ngủ. Song chẳng thể nào ngủ được với bao suy nghĩ trăn trở. Ngày mai chúng tôi lại lao vào chốn bom rơi, đạn nổ, sống chết là lẽ thường của người lính chiến trận.
Dẫu biết vậy vẫn không chợp mắt được. Nghe tôi trở mình, anh ngồi dậy, bước qua giường tôi, ngồi xuống, đưa tay nắm bàn tay tôi. Hơi ấm từ anh lan tỏa qua tôi lúc nào, trong tôi trào dâng một cảm xúc và cảm nhận anh như người anh trong gia đình. tôi nhớ lại hình ảnh cha tôi trước ngày nhập ngũ, hơi ấm, ánh mắt người cha cho tôi sức mạnh vượt qua hy sinh gian khổ thời đánh Mỹ. Giờ cha tôi không còn nữa, ngày mai tôi lại ra mặt trận, bên cạnh tôi lại có anh khiến tôi yên lòng vững bước.
Giải phóng Xa Mát, Trần Thế Tuyển lật cánh theo Sư 5, tôi theo Sư 310 giải phóng Kô-kông. Chiến trường xa xôi, chiến dịch nối tiếp chiến dịch, nhớ tòa soạn mà chẳng về được. Chúng tôi chỉ gửi tư liệu bài viết theo từng chuyến xe về quân khu. Lần nào có xe lên chúng tôi đều nhận được thư của anh gửi lên động viên thăm hỏi và thông báo tình hình ở tòa soạn. Đọc thư anh tôi càng nhớ tòa soạn, nhớ những bữa cơm lính đạm bạc, nhớ ao rau muống xanh mướt cả nhà tòa soạn chăm sóc. Nhưng nhớ nhất những gì anh đã chỉ bảo cho chúng tôi từ kinh nghiệm làm báo nhiều năm của anh, từ cách lấy tin, viết bài, vô phòng tối làm một tấm hình, lên một trang báo, sửa mo rát… Nhờ vậy cánh phóng viên chúng tôi thành thạo mọi việc, giờ tuy xa tòa soạn nhưng khó khăn nào cũng xoay trở được.
Anh không chỉ viết báo mà còn viết văn. Những truyện ngắn, ký sự của anh như: “Những ngày qua và hôm nay, Đứa con người đồng đội”. Hồi ấy anh cũng là phóng viên chiến trường. Từ năm 1966 anh đã có mặt trên khắp chiến trường miền Đông Nam bộ đến khu 6, tham gia hầu hết các chiến dịch Junction City, chốt chặn đường 13 giải phóng Lộc Ninh. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, anh và nhiều phóng viên Báo Quân Giải Phóng theo chân bộ đội áp sát vùng ven Sài Gòn Gia Định.
Những tấm ảnh, những bài báo anh viết mang hơi thở ấm áp của người lính chiến trường. Nhờ bài báo anh viết về người đồng đội tên Nam chiến đấu và hy sinh anh dũng trong trận đánh chốt chặn đường 13 đăng trên báo Quân đội Nhân dân, mà mười lăm năm sau vợ con người liệt sĩ ấy từ Hà Nội tìm đến anh, và đứa con người đồng đội cũ giờ đã là người đồng đội và là người con được anh đỡ đầu.
Ôi cái tình người trong anh mênh mông quá, cao đẹp quá. Tôi nhớ trong chiến dịch giải phóng Phnôm Pênh 1979, tôi vẫn theo Sư 3, Sư 310 ngược vùng Ka-ka-chê. Văn Lê, Trần Thế Tuyển theo Sư 5, anh Mai Bá Thiện đi cùng bộ chỉ huy thị sát chiến dịch. Sáng sớm hôm ấy, ba cánh quân vừa hợp lại, thấy anh từ trực thăng bước xuống, tôi chạy lại, anh ôm chầm lấy tôi mà mừng, mà rơi nước mắt. Anh hỏi dồn dập: “Tuyển đâu? Anh em đâu…? Có đứa nào sao không…?”. Tôi xúc động ôm ghì lấy anh trong bộ quân phục bám đầy bụi đất chiến trường, bởi tình yêu trong anh với chúng tôi không chỉ là thủ trưởng, mà còn là người anh cả trong gia đình Báo Quân khu 7.
Giờ anh đã là người thiên cổ, nhưng những hình ảnh thân thương về anh, tấm lòng anh mãi mãi còn lại với chúng tôi, với tờ báo Quân khu 7 thân thương.
Xuân Hòa