Ngày 29-11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ VH-TT-DL; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Trong phiên thảo luận thứ nhất, vấn đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” được các đại biểu tham luận. Trong phiên tham luận chiều nay, vấn đề “Hệ giá trị quốc, hệ giá trị văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới” được các đại biểu trao đổi.
Vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay
Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM tham dự hội thảo tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Theo đó, hệ giá trị văn hóa mang tính khái quát được đề cập là: Dân tộc, Nhân văn, Dân chủ, Pháp quyền và Khoa học. Bên cạnh đó, 7 đặc tính cơ bản được xác định là những chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam: Yêu nước, Nhân ái, Nghĩa tình, Trung thực, Đoàn kết, Cần cù, Sáng tạo. Từ góc độ nghiên cứu về văn hóa và con người Việt Nam, đã có nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Tham luận của PGS - TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hoá, nêu: “Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực giá trị con người Việt Nam mà Đảng ta xác định chính là xác định việc xây dựng để có được những hệ giá trị đó, là khát vọng, là mục tiêu muốn đạt được, không phải là những hệ giá trị có sẵn hay đang được thực hành phổ biến trong cả xã hội. Nếu hiểu rõ hệ giá trị văn hóa mang tính hệ thống với nhiều yếu tố cấu thành và các yếu tố cấu thành này luôn gắn kết với nhau theo những trật tự nhất định và những tương tác đa chiều thì chúng ta sẽ hiểu không thể nhặt riêng một hệ giá trị nào ra khỏi tổng thể để đưa nó lên thành hệ giá trị phổ quát hay cốt lõi mà bỏ qua các giá trị có tính tương liên với nó”.
“Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội”, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm trình bày.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
GS-TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Có thể hiểu giá trị quốc gia là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, được cả quốc gia thừa nhận, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo. Giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại. Nét chung phổ biến của nhân loại là những giá trị chân, thiện, mỹ mang tính tích cực, tiến bộ, thể hiện những nhận thức của nhân loại cũng như khát vọng hướng tới của nhân loại. Từ đây, có thể hiểu khi nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, tiến bộ thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại”.
Xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị
Để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện.
Chính vì vậy, cần phải tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học đi trước, đồng thời tham khảo học hỏi kinh nghiệm quốc tế, vừa kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại; bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, tiếp thu ý kiến của giới trí thức tinh hoa; vừa dựa trên các quan điểm lý thuyết vừa phải bám sát tình hình thực tiễn, trưng cầu, lắng nghe ý kiến nhân dân, đáp ứng ý chí và kỳ vọng của nhân dân, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Vì thế, trước hết cần nhìn nhận, xem xét hệ giá trị văn hóa Việt Nam trên các chiều cạnh của bối cảnh trong nước và quốc tế: về kinh tế đó là sự chuyển đổi từ cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường và nền kinh tế tri thức; về xã hội là sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại, tiên tiến; về bối cảnh quốc tế là xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phân tích: “Khi cụ thể hóa hệ giá trị văn hóa mới cần đặc biệt quan tâm đến xu hướng vận động của các giá trị trong những điều kiện mới, ở đó có 6 sự chuyển đổi quan trọng, gồm: Chuyển từ coi trọng giá trị tinh thần sang coi trọng giá trị kinh tế; Chuyển từ coi trọng quyền lợi tập thể sang quyền lợi cá nhân; Từ nặng cống hiến sang nặng hưởng thụ; Từ những mục tiêu lâu dài sang lo sống ngắn hạn; Từ thái độ chờ đợi phân phối sang chủ động tự đáp ứng nhu cầu; Từ chấp nhận bình đẳng, trọng nghèo thanh đạm sang chấp nhận phân hóa, trọng giàu chính đáng. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học rất cần cụ thể hóa bằng cách bổ sung các nội hàm mới của thời đại, như: coi trọng tài năng cá nhân, đề cao học thức, chuyên môn, khoa học và công nghệ, đề cao sự sáng tạo và nhân văn, hướng tới tự do, dân chủ và hạnh phúc của con người. Hệ giá trị này còn được xem xét trên các yêu cầu khác biệt, đa dạng về cấp độ: các giá trị cá nhân, giá trị nghề nghiệp, giá trị xã hội, giá trị mang tính toàn cầu”.
GS-TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia, đưa ra một số lưu ý về nguyên tắc xác định giá trị như sau: “Nhìn chung, khó có thể đưa ra hết các giá trị kỳ vọng, đáng quan tâm đối với sự phát triển của một quốc gia, do vậy, việc xác định hệ giá trị chỉ nên dừng lại ở những giá trị cốt lõi, trọng điểm, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Hệ giá trị quốc gia phải kết hợp hài hòa giữa các giá trị thiết thân của dân tộc Việt Nam với các giá trị phổ quát, tiến bộ của thời đại và nhân loại. Hệ giá trị quốc gia không nên quá cao siêu, xa vời, ít tính khả thi, mà phải có sự cân đối, hài hòa giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo với điều kiện thực hiện và sự đồng thuận của người dân, phải xuất phát từ những mong đợi của nhân dân để họ tự giác chung tay thực hiện. Cấu trúc hệ giá trị cần ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ tuyên truyền, triển khai. Kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như từ các nước cho thấy, càng đúc rút câu chữ, khái niệm cô đọng, dễ nhớ bao nhiêu càng đi vào cuộc sống dễ bấy nhiêu. Bài học ở một số quốc gia như Philippines, Thái Lan đề xuất 9-12 giá trị và mỗi giá trị lại được diễn giải quá dài, khiến người dân khó tiếp thu và không phát huy được tác dụng”.
"Làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố"
Từ tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Thành ủy, sau hơn 35 năm đổi mới, việc xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, phát triển con người TPHCM đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật. |
-----------------------------------------------------
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền các hệ giá trị của Việt Nam trong thời kỳ mới, ông Bùi Hồng Phúc, Trưởng Ban Thời sự Đài THVN đề xuất: “Cần nghiên cứu xây dựng Chiến lược tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới để các cơ quan báo chí triển khai công tác tuyên truyền một cách bài bản và hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các đơn vị nghiên cứu với các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin, tài liệu và giới thiệu các chuyên gia để góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, truyền thông về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. |