Những người làm đẹp cuộc sống

Những người làm đẹp cuộc sống

Từ một phóng viên chiến trường thời chống Mỹ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đặng vẫn trung thành với chủ đề phong cảnh và con người dựng xây hôm nay. Từ một người lính có máu văn nghệ, Văn Báu tham gia đóng phim với vai chiến sĩ công an kiên quyết mưu trí, dũng cảm và tình cảm. Và một đạo diễn-diễn viên trẻ sung sức, Thanh Phương, đang từng bước khẳng định mình trên sân khấu, điện ảnh.

Đầu xuân Bính Tuất, nhóm phóng viên Văn hóa văn nghệ đã “xông nhà” 3 ba nghệ sĩ Nguyễn Đặng, Văn Báu, Thanh Phương đang cùng nhau làm đẹp cuộc sống bằng tài năng và tâm huyết.

  • Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đặng
    Mùa gặt hái thành công

- PV: Trong năm qua có gần 30 cuộc triển lãm ảnh tập thể cá nhân do Hội Nhiếp ảnh TPHCM tổ chức và phối hợp tổ chức – con số này có thể xem là mùa gặt hái thành công của hội không thưa ông?

- Nghệ sĩ nhiếp ảnh NGUYỄN ĐẶNG: Mở đầu năm 2005 là sự thành công của Đại hội lần thứ 5 của Hội Nhiếp ảnh TPHCM. Trong năm qua, hoạt động nhiếp ảnh của thành phố đã diễn ra sôi nổi đều khắp mọi miền đất nước. Mặt bằng nghệ thuật đã xích lại gần nhau hơn. Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn là một điểm son đầy năng động của nhiếp ảnh toàn cầu.

Những người làm đẹp cuộc sống ảnh 1

NSNA Nguyễn Đặng chụp cảnh đêm giao thừa 2005.

Nhiều cuộc triển lãm nhóm, cá nhân, câu lạc bộ với nhiều ý tưởng góc nhìn đẹp về đất nước, về con người, về cuộc sống hôm nay - triển lãm của CLB những người cao tuổi Sài Gòn với các CLB người cao tuổi Hà Nội vàø Vĩnh Long. Triển lãm của CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu với 2 CLB Hội An và Huế… Năm qua còn có 8 cuộc triển lãm cá nhân và 3 cuộc triển lãm giao lưu bạn bè quốc tế.

- Hội có kế hoạch, hướng dẫn sáng tác và đầu tư sáng tác cho hội viên?

- Đây là mũi nhọn được hội đặt trọng tâm trong năm 2005, nhằm giúp hội viên thâm nhập thực tế, bám sát đời sống để tạo ra những tác phẩm có sức thuyết phục. Cuộc đi thực tế để sáng tác với Thanh niên xung phong, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM; sáng tác ảnh về Bình Dương 30 năm, cùng Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng tạo điều kiện cho hội viên sáng tác những hình ảnh về công trình đô thị mới tại thành phố. Hội phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Bình Thuận khám phá tiềm năng du lịch qua nhiếp ảnh…

Tổng cộng có 7 đợt, hội tổ chức cho các hội viên đi sáng tác và đứng ra tổ chức các cuộc thi và triển lãm ảnh. Với quỹ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TPHCM chúng tôi đã đầu tư sáng tác cho 51 hội viên và sẽ có cuộc triển lãm trưng bày các bộ ảnh được sáng tác này.

Hội cũng duy trì đều đặn công tác đào tạo nhằm hỗ trợ nghề cho học viên và phát hiện bổ sung hội viên mới. Có 44 lớp học với 1.074 học viên tham gia các lớp học trong năm qua.

  • Diễn viên Văn Báu
    Hình tượng chiến sĩ công an trên phim truyền hình

Những người làm đẹp cuộc sống ảnh 2

Văn Báu vai chiến sĩ công an (phim Cảnh sát hình sự).

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật: ông nội là nghệ sĩ chèo trùm Thịnh, bác là nghệ sĩ chèo Minh Lý – những người đầu tiên xây dựng Nhà hát chèo Việt Nam hiện nay, bố là một kép cứng của đoàn cải lương Nam Định, anh đến với nghệ thuật như một lẽ đương nhiên. 17 tuổi, anh đầu quân vào Đoàn văn công 559 (Văn công Trường Sơn) với nhiệm vụ chính là hát và múa.

Cần mẫn, cặm cụi, anh hết lòng với mỗi vai diễn trong Câu chuyện cuối tuần, Sóng không phải từ biển, Bao giờ thuyền lại sang sông và một số phim khác. Nhưng có lẽ phải đến Tìm chồng, khán giả mới thực sự lưu tâm tới anh. Rồi hình ảnh của anh trở nên quen thuộc hơn với xê ri phim truyền hình Cảnh sát hình sự trong vai Vũ – một cảnh hình sự có tâm với nghề, có tình với anh em.

Đặc biệt, trong những tập phim Những bí ẩn cuộc đời, anh đã để lại dấu ấn sâu sắc cho khán giả. Đây cũng là vai diễn mà anh tâm đắc. Kể lại, giọng anh đầy xúc động: Được tin mình lại được mời vào vai Vũ cho những tập phim mới, tôi đã định từ chối. Diễn nhiều quá rồi, sợ nhàm, sợ lặp lại mình. Hai ngày hai đêm đọc kịch bản, tôi đã khóc và nhận lời.

Để hoàn thành bộ phim, tôi và bạn diễn đã phải diễn nhiều trường đoạn rất khó khăn, nhất là trường đoạn Vũ đến hỏi cung Lân, hai người ôm nhau khóc. Diễn đi diễn lại mấy lần mà vẫn không thể quay được, cảm thấy sự hóa thân hình như vẫn chưa tới. Hiểu nhân vật, hiểu kịch bản, nhưng từ hiểu đến thể hiện được là cả một quá trình không dễ dàng.

Anh tâm đắc với vai Vũ, nhiều đêm trăn trở, thao thức. Những xúc cảm có được không phải từ một phút thăng hoa. Đã quá nửa đời người, anh hiểu sâu sắc giá trị của cuộc sống. Đi sâu vào một vai diễn cũng là đi đến tận cùng tâm hồn mình, tình cảm của mình trước những số phận, những mảnh đời mà anh đã gặp.

  • Đạo diễn, diễn viên Thanh Phương
    Có duyên với… sân khấu thiếu nhi

Những người làm đẹp cuộc sống ảnh 3

Đạo diễn, diễn viên trẻ Thanh Phương.

Học Nhạc viện Hà Nội 4 năm, năm 1999 sau khi tốt nghiệp, Thanh Phương vào TPHCM. Với năng khiếu ca hát, Phương những tưởng sân khấu nhạc nhẹ sẽ là nơi gắn bó cuộc đời mình. Anh từng đoạt giải tư cuộc thi Tiếng hát truyền hình TPHCM năm 1999 - 2000. Không ngờ, Thanh Phương nhận thấy mình thích... sân khấu. Năm 2000, Phương thi đậu vào Trường Cao Đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM và về đầu quân ở sân khấu kịch IDECAF.

Anh lần lượt xuất hiện trong các vở: Hãy yêu nhau đi, Bệnh sĩ, Người tốt nhà số 5, Trái tim nhảy múa, Ngôi nhà anh Túc... Trong lúc khán giả bắt đầu quen thuộc gương mặt, giọng nói của anh thì gần đây, xuất hiện một Thanh Phương viết kịch bản sân khấu thiếu nhi. Năm 2005, các chương trình thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” do Thanh Phương viết kịch bản liên tục tạo nên “cơn sốt vé” như: Aladin và đủ thứ thần, Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi, Cậu bé Rừng xanh...

Tham gia biểu diễn kịch, viết kịch bản cho sân khấu IDECAF, Thanh Phương còn cùng một số tác giả Hàn Quốc viết kịch bản phim truyền hình dài tập. Thanh Phương tâm sự: “Mới tập viết kịch bản sân khấu nên cũng còn một số hạn chế nhưng được các anh chị đạo diễn, nghệ sĩ góp ý động viên, Phương cố gắng rất nhiều để có được những kịch bản tốt nhất”. Còn kịch bản sân khấu thiếu nhi trong năm 2006 của Thanh Phương thế nào? - Phương đang chuẩn bị kịch bản “Nàng Bạch Tuyết lạc 7 chú lùn” cho chương trình sân khấu thiếu nhi vào dịp 1-6-2006.

Trong những ngày Tết Bính Tuất 2006, trên sàn diễn của kịch IDECAF, Thanh Phương vào vai một bầu sô ca nhạc trong vở Tôi là ai khá duyên dáng, mang đến cho người xem những giây phút thư giãn vui vẻ… 

Nhóm PV VHVN

Tin cùng chuyên mục