Những tiêu chí tiên quyết để các tỉnh thành giãn cách trở lại trạng thái bình thường mới

Bộ Y tế đang tiến hành lấy ý kiến dự thảo Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Theo đó, trong dự thảo này, lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới được xác định căn cứ trên tiêu chí tiên quyết và tiêu chí động. Trong đó, tiêu chí tiên quyết để được mở cửa kinh tế trở lại là kiểm soát được dịch bệnh theo Quyết định 3979/QĐ-BYT ban hành ngày 18-8 của Bộ Y tế là: số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trong số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày. Số giường cấp cứu hồi sức cấp cứu với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 5% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao.

Tiêu chí động để đưa các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn là tỷ lệ tiêm vaccine của người dân và đánh giá mức nguy cơ theo Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ban hành ngày 31-5. Các tiêu chí động sẽ được đánh giá định kỳ ở tất cả cấp từ xã, phường, đến quận, huyện và toàn tỉnh, thành phố.

Những tiêu chí tiên quyết để các tỉnh thành giãn cách trở lại trạng thái bình thường mới ảnh 1 Các địa phương đang giãn cách để trở lại trạng thái bình thường mới phải đáp ứng được các tiêu chí về kiểm soát số ca mắc và tiêm chủng vaccine

Khi đáp ứng được các tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, việc mở cửa trở lại trạng thái bình thường mới sẽ được thực hiện theo 4 bước. Cụ thể:

Bước 1: Rà soát nguy cơ, tỷ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cấp xã, phường để phân loại thành bốn vùng: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, bình thường mới.

Bước 2: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (đạt tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi mũi 1 đạt dưới 60%; đủ liều dưới 20% và ở mức độ nguy cơ cao). Các hoạt động ngoài trời được phép mở với số lượng người hạn chế ở những nơi có lây nhiễm thấp và cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát. Những người đã tiêm vaccine, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 3: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động (có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70% và 20% người trên 18 tuổi tiêm đủ liều vaccine và ở mức độ nguy cơ). Ở bước này, các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ hoạt động trong nhà được phép mở thêm với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn; những người đã tiêm vaccine, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bước 4: Thực hiện các biện pháp phòng dịch, chống dịch ở trạng thái bình thường mới khi địa phương đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động gồm: tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi (trên 70% được tiêm ít nhất 1 mũi và dưới 20% được tiêm đủ 2 mũi vaccine, ở mức bình thường mới theo Quyết định 2686). Nguyên tắc là mở các hoạt động ngoài trời (các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao được kiểm soát chặt chẽ), tiếp tục thực hiện thêm 1 số dịch vụ, hoạt động trong nhà có kiểm soát và tiến tới trạng thái bình thường mới.

Theo Bộ Y tế, thời điểm bắt đầu và tiến độ để kết thúc quay lại trạng thái bình thường mới do địa phương quyết định. Thời gian cần thiết để chuyển trạng thái giữa các bước tốt nhất là 7 ngày để thông báo cho cộng đồng và chuẩn bị việc thực hiện.

Tin cùng chuyên mục