Niềm vui sau mỗi chuyến đi

Các bạn trẻ là những sinh viên, giáo viên, công nhân, nội trợ… có cùng niềm đam mê thiện nguyện, tìm đến nhau lên đường thực hiện hành trình nhân ái “Nụ cười cho em”.
Tổ chức trò chơi cho các em nhỏ dân tộc vùng cao
Tổ chức trò chơi cho các em nhỏ dân tộc vùng cao

Bỏ lại sau lưng những ồn ào của phố phường, khép lại vướng bận công việc, tuần qua, 100 bạn trẻ thiện nguyện từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước (Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây và TPHCM) cùng tham gia chương trình “Nụ cười cho em” tại 3 bản khu vực biên giới thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. 

Các bạn trẻ là những sinh viên, giáo viên, công nhân, nội trợ… có cùng niềm đam mê thiện nguyện, tìm đến nhau lên đường thực hiện hành trình nhân ái này. Các bạn đã sửa chữa và lợp lại mái nhà, chống dột cho 10 hộ gia đình khó khăn; tặng 3 máy lọc nước cho 2 trường mầm non và tiểu học giúp các em học sinh và thầy cô có nước sạch để dùng; tặng 300 suất nhu yếu phẩm cho các hộ dân địa phương; trao 300 phần quà cho các em học sinh khó khăn và 5 giáo viên; 20 suất học bổng dành riêng học sinh nghèo vượt khó đạt thành tích cao trong học tập; hỗ trợ đồn biên phòng biên giới xã Kim Thủy 7 suất quà và 5 phần cho UBND xã. Tổng chi phí thực hiện hơn 100 triệu đồng.

Chương trình còn tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể có thưởng cho các em học sinh. Lập nhiều gian hàng ẩm thực miễn phí, tạo sân chơi giúp các em được thưởng thức nhiều loại bánh ngon ở các vùng miền, tiếp sức cho hoạt động vui chơi ngoài trời. Thực hiện chương trình giao lưu văn nghệ, giáo dục sức khỏe giới tính, chống xâm hại tình dục ở trẻ nhỏ. Khuyến khích phụ huynh cho trẻ đến trường…

Để có được chương trình này, nhiều tháng qua, các bạn trẻ là thành viên nhóm thiện nguyện ở các tỉnh, thành đã ra sức vận động quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm ở nhiều nơi trong cả nước để huy động nguồn lực cho chương trình. Đoàn chọn Kim Thủy là nơi thực hiện chương trình. Xã có 11 bản, trong đó, Rum Ho, Trung Đoàn, Các Mít là ba bản nghèo khó và có khoảng cách địa lý xa nhất. Ở đây, 99% là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, với 300 hộ dân và hơn 400 trẻ em. Trình độ dân trí rất thấp nên nhận thức về việc cho con em đến trường học chữ, nâng cao hiểu biết và chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” vẫn chưa được quan tâm và chú trọng. Người dân đời sống bấp bênh, không có đất canh tác, chỉ biết vào rừng kiếm mớ rau, bó củi sống qua ngày. 

Ông Lê Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS số 2 Kim Thủy, chia sẻ: “Đây là chương trình vui nhất, lớn nhất từ trước tới giờ. Hôm nay bà con, học sinh trong bản ai cũng vui mừng hồ hởi. Nội dung chương trình phong phú, đa dạng có ý nghĩa giáo dục cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các em học sinh và bà con dân bản”.

Mỗi chuyến đi là để trao niềm hy vọng, nụ cười và hạnh phúc cho những mảnh đời còn bất hạnh trong xã hội. Và, các bạn trẻ đã trưởng thành hơn sau những chuyến đi!

Tin cùng chuyên mục