Ninh Thuận kêu khổ vì dư điện

Cấp phép hàng loạt dự án nhưng hạ tầng truyền tải chưa xây dựng tương ứng khiến một lượng lớn điện năng tại Ninh Thuận bị dư, buộc nhiều nhà máy phải phát điện cầm chừng… 

Lãng phí lớn

An ninh năng lượng luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển quốc gia, vì thế, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi để phát triển ngành điện, trong đó năng lượng sạch là ưu tiên hàng đầu.

Nói đến nguồn điện sạch chính là nói đến điện gió, điện mặt trời (ĐMT), vốn là thế mạnh của nước ta. Hai loại điện năng này có nhiều ưu điểm và lợi thế; lại tập trung tại những vùng có thời tiết khắc nghiệt như Ninh Thuận, Bình Thuận và một số vùng duyên hải miền Trung. Thế nhưng, từ khi có chủ trương ưu đãi cho năng lượng sạch đến nay, nhiều địa phương đã ồ ạt cấp phép nhiều dự án.

Trên thực tế, các dự án tại miền Trung, đặc biệt như ở Ninh Thuận, được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ chóng mặt, mục đích là chạy đua về đích đúng thời hạn được hưởng ưu đãi mà Chính phủ đã ban hành. Khá nhiều dự án chỉ khởi động cách đây hơn 1 năm, vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng đến nay đã hoàn thành vượt tiến độ. Nhìn về góc độ năng lực và trách nhiệm đầu tư, có thể nói khá nhiều dự án ĐMT, điện gió đầu tư vào Ninh Thuận đáng được biểu dương.

Ninh Thuận kêu khổ vì dư điện ảnh 1 Công trình điện gió, năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận

Tuy nhiên, khi nhiều dự án chỉ mới hoàn thành, những bất cập đã xảy ra. Đó là việc quá tải hệ thống truyền tải điện địa phương, dẫn đến nhiều nhà máy có điện nhưng không thể hòa mạng điện lưới quốc gia hoặc hoạt động chưa hết công suất, gây lãng phí, thiệt hại và nay lại cầu cứu trung ương.   

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng sớm chỉ đạo phê duyệt dự án nhà máy ĐMT kết hợp hệ thống hạ tầng truyền tải 500kV nhằm giải phóng công suất các nhà máy điện gió, ĐMT… đang dư điện trên địa bàn.

Báo cáo kiến nghị lên Chính phủ, ông Lưu Xuân Vĩnh cho hay, trên cơ sở đã được Thủ tướng và Bộ Công thương phê duyệt, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án điện gió, ĐMT tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 18 dự án vận hành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và cải thiện đời sống một bộ phận người dân. Tuy nhiên, trong số 18 dự án trên có 10 dự án với tổng vốn đầu tư 10.504 tỷ đồng, đang phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (215MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải.

Sớm đồng bộ hạ tầng

Theo thống kê của tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 30-6, lượng điện thực hiện giảm phát khoảng 23,2 triệu kW với tổng số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, ước tính 6 tháng cuối năm 2019 sẽ giảm phát lên đến 224 triệu kW, tương đương con số thiệt hại là 479,4 tỷ đồng.

Nếu tiếp tục kéo dài những năm tiếp theo sẽ gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của các dự án, gây thiệt hại các nhà đầu tư vì vi phạm cam kết tiến độ trả lãi ngân hàng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Trước những khó khăn này, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc cân đối đầu tư các công trình truyền tải điện 220kV, 500kV trên địa bàn theo kế hoạch đầu tư của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chưa đáp ứng yêu cầu giải phóng công suất các dự án ĐMT theo chủ trương của Chính phủ chấp thuận cho Ninh Thuận phát triển đến công suất 2.000MW đến năm 2020.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh, căn cứ theo các kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án đầu tư Nhà máy ĐMT tại huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải trạm và đường dây 500kV Ninh Thuận vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Mục tiêu lớn nhất của Ninh Thuận bây giờ là sớm được Chính phủ chấp thuận bổ sung công suất phát điện cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận thực hiện giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực.

Tại buổi làm việc mới đây với Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, điện gió và ĐMT là thế mạnh đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia, đóng góp quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng chung. Chỉ trong hơn một năm, Ninh Thuận đã có hơn 1.000MW năng lượng gió, ĐMT, đó là thành quả vượt trội, đáng khen. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển điện gió và ĐMT của Ninh Thuận còn những hạn chế, đó là hạ tầng truyền tải chưa theo kịp với phát triển sản xuất điện.

Vì thế, thời gian tới Ninh Thuận phải tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Triển khai dự án trên cơ sở tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận, tránh tình trạng phát triển phong trào, tự phát, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tin cùng chuyên mục