Cụ thể, Thủ tướng quyết định tạm cấp 80 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 3 địa phương gồm: Quảng Nam 20 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Tây Giang), Thừa Thiên-Huế 20 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Phong Điền), Quảng Trị 40 tỷ đồng (để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Hướng Hóa và huyện Đắk Krông).
Thủ tướng yêu cầu UBND 3 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, sử dụng sai mục đích, tham nhũng, lãng phí. Kết thúc đợt mưa lũ, UBND các tỉnh nêu trên phải kiểm tra, đánh giá, tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương.
Ngày 16-11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bão số 13 làm sập 6 nhà, tốc mái 4.687 nhà; nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái; hạ tầng giao thông, điện lực, viễn thông hư hại; làm gãy đổ 90ha rừng trồng, gần 200 cây xanh đường phố; nhiều tàu thuyền bị sóng đánh hư hỏng, chìm.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các lực lượng xung kích gồm quân đội và công an đang nỗ lực phối hợp với chính quyền cùng nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả bão số 13 và các đợt lũ chồng lũ gắn với tái thiết phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện để học sinh và thầy cô trở lại trường. Cùng ngày, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công an đã đến thăm hỏi và chia sẻ những khó khăn của tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp phải do các đợt bão lũ gây ra.
Ngày 16-11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan kiên quyết xử lý nghiêm thủy điện Thượng Nhật vì nhiều lần vi phạm quy định tích nước hồ thủy điện này khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Trước đó, thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép và không chấp hành công điện ứng phó bão số 13 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Chiều 16-11, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, EVNCPC đã khôi phục cấp điện 731.121 khách hàng, hiện còn 44.787 khách hàng tại 54 xã, phường, thị trấn bị mất điện.
* Ngày 16-11, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã nối lại việc tìm kiếm người mất tích trong các vụ sạt lở núi tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất phương án nối lại việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi tại thủy điện Rào Trăng 3 sau khi khắc phục xong các điểm sạt lở do ảnh hưởng bởi cơn bão số 13 trên tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) đi thủy điện Rào Trăng 3. Dự kiến công việc khắc phục sạt lở sẽ hoàn thành trong ngày 17-11. Tiếp đó, lực lượng tìm kiếm cơ động đến khu vực xảy ra sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 để triển khai các phương án tìm kiếm giai đoạn 3 là đắp đập tạm, nắn dòng sông Rào Trăng.
Trong khi đó, sau thời gian tạm dừng do bão số 13, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam tiến hành tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở tại xã Phước Lộc (Phước Sơn) và ở Trà Leng (Nam Trà My). Tại huyện Phước Sơn, lực lượng tìm kiếm gồm quân đội, công an mở rộng khu vực tìm kiếm xuống lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 bằng ca nô nhưng vẫn chưa tìm thấy 4 nạn nhân mất tích. Tại Nam Trà My, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở Trà Leng đã được triển khai trên sông Leng và sông Tranh nhưng chưa có kết quả.
Lúc 10 giờ sáng 16-11, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông Huỳnh Văn Hạ (52 tuổi, quê huyện Thăng Bình). Ông Hạ bị mất tích trong vụ sạt lở núi trên QL40B đoạn qua xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) vào ngày 11-11. Lực lượng chức năng đã thực hiện các thủ tục pháp y, pháp lý và bàn giao cho gia đình đưa nạn nhân về quê lo hậu sự.