Nỗ lực xây dựng thành phố thân thiện môi trường

Giảm ô nhiễm môi trường là một trong 13 đề án thuộc Chương trình phát triển hạ tầng của TPHCM. Để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp.
Mảng xanh công viên mới bên cầu Hiệp Ân, quận 8, TPHCM
Mảng xanh công viên mới bên cầu Hiệp Ân, quận 8, TPHCM

Nhiều kết quả khích lệ

Ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian qua thành phố đã triển khai rất nhiều dự án cải tạo kênh rạch như dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm... Các dự án này đã góp phần rất lớn làm thay đổi môi trường sống cho người dân. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục kế hoạch cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, kênh Hy Vọng với mục tiêu chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường. Những nỗ lực cải tạo ô nhiễm môi trường của thành phố đã, đang và sẽ mang lại chất lượng sống tốt cho người dân.

Ông Lê Văn Sơn (nhà ở đường Nguyễn Văn Quá, quận 12) chia sẻ, từ khi thành phố tiếp tục thực hiện cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, người dân trong khu vực rất vui. “Mỗi lần đi tập thể dục, tôi đều đi ngang qua khu vực này. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ chấm dứt tình trạng sống chung với ô nhiễm suốt nhiều năm qua, mong hoàn thành càng sớm càng tốt”, ông Sơn nói.

Không chỉ thực hiện cải tạo nhiều dự án kênh rạch, thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác xanh hóa các điểm đen ô nhiễm do rác thải gây ra ở các khu dân cư. Rất nhiều bãi rác gây ô nhiễm trước đây nay đã được cải tạo thành những vườn hoa, công viên, khu vui chơi phục vụ cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Hoa (nhà ở gần khu vực cầu Hiệp Ân, phường 5, quận 8) chia sẻ, khu công viên phía trước nhà sạch, xanh đã hình thành từ một bãi đất hoang, nhếch nhác do nạn xả rác bừa bãi. “Chưa bao giờ tôi cũng như nhiều người dân mơ sẽ có một ngày cùng các con ra khu vực này đi dạo, tập thể dục. Vậy mà nay điều không tưởng ấy đã thành sự thật”, chị Hoa tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Lan (nhà ở đường Hoàng Diệu, quận 4) cũng cho biết, thông qua các phương tiện truyền thông, cô thấy thành phố đã triển khai rất nhiều hoạt động để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Điển hình như “Ngày hội sống xanh” được tổ chức hàng năm là cơ hội để người dân đến đổi những phần quà hấp dẫn như cây xanh, nước rửa chén… bằng những thứ đã bỏ đi như vỏ chai nhựa, pin hư hỏng, sách báo cũ. Không dừng lại ở đó, đây cũng là dịp để dạy cho con, cháu biết cách sống xanh, bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ đâu. “Rất mong thành phố sẽ triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền ý nghĩa hơn nữa. Nhận thức được nâng cao, thói quen và hành động của người dân sẽ thay đổi, khi đó môi trường sẽ được xanh, sạch hơn”, cô Nguyễn Thị Lan kỳ vọng.

Những kết quả trên, theo Sở TN-MT TPHCM, là nỗ lực rất lớn của người dân, lãnh đạo thành phố trong việc cải tạo môi trường. Chỉ tính riêng chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, thành phố có 4.213/4.335 (đạt 97%) cơ sở sản xuất thực hiện việc xử lý nước thải; 100% chất thải rắn y tế phát sinh được phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ và giao cho đơn vị có chức năng để xử lý; 100% bệnh viện trên địa bàn thành phố đều có hệ thống xử lý nước thải theo quy định, tỷ lệ nước thải xử lý đạt 97,89%. Hiện trên toàn thành phố đang tiếp tục duy trì 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường; 198 điểm ô nhiễm được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, công viên. Ngoài ra, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch vẫn được duy trì, đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán duy trì tỷ lệ 40,3%...

Cộng đồng chung tay

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, bên cạnh những thành quả đạt được thì công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn các hạn chế cần phải khắc phục như: tình trạng thải bỏ rác bừa bãi tại một số tuyến đường, khu vực công cộng; một số kênh rạch vẫn phổ biến ô nhiễm hoặc nguy cơ tái ô nhiễm… Để tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đặt ra, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Sở TN-MT đã đề xuất UBND TPHCM kiến nghị các cơ quan trung ương hỗ trợ thực hiện chuyển đổi các cá nhân, tổ thu gom rác dân lập sang mô hình hoạt động hợp tác xã; Bộ Công thương sớm bổ sung các dự án đốt rác phát điện trên địa bàn thành phố vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai công tác xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, thành phố luôn đặt trọng tâm xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường gắn với triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030; Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Theo đó, trong thời gian qua, các sở ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã đồng loạt triển khai các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như ra quân dọn dẹp vệ sinh hàng tuần, phối hợp xây dựng các công trình sạch, xanh… Những hoạt động này đã góp phần trong việc cải tạo môi trường sống xanh, sạch cho người dân ở các khu dân cư.

Để công tác bảo vệ môi trường tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, các cơ quan nhà nước của TPHCM gương mẫu, đi đầu trong bảo vệ môi trường, hưởng ứng chiến dịch chống ô nhiễm nhựa. Đồng thời, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tiếp tục đồng lòng, chung tay cùng với thành phố giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường bằng các giải pháp, sáng kiến cụ thể, thiết thực ngay trong sinh hoạt hàng ngày, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Tin cùng chuyên mục