Nobel Y học 2021: Khám phá về nhiệt độ và xúc giác

Ngày 4-10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y học năm 2021 thuộc về 2 nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về cơ chế cảm nhận nhiệt độ và xúc giác của con người”.
2 nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian
2 nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian

Trước đó, công trình nghiên cứu này giúp 2 nhà khoa học nhận được giải thưởng về Sinh học và Y khoa của Quỹ BBVA (Foundation Frontiers of Knowledge Award in Biology and Biomedicine).

Ủy ban Nobel nhận định: “Khả năng cảm nhận sự nóng, lạnh và xúc giác của chúng ta là điều cần thiết cho quá trình tồn tại, cũng là nền tảng cho sự tương tác với thế giới xung quanh”.

Nhiệt độ và cảm giác đau là một phần của xúc giác - phần ít được tìm hiểu trong 5 giác quan chính của con người. Nghiên cứu này được đánh giá là đưa ra các tiềm năng y học thú vị, bởi nó làm sáng tỏ cách giảm đau mạn tính và cấp tính liên quan đến các bệnh, chấn thương và phương pháp điều trị chúng.

Trước đó, những người tiên phong trong công nghệ mRNA dùng để tạo ra các loại vaccine Covid-19 của các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Y học hoặc Hóa học năm nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều phân tích cho rằng còn quá sớm để các nghiên cứu về vaccine Covid-19 được ghi nhận tại giải Nobel. Hội đồng Nobel có xu hướng bảo thủ và luôn chờ ít nhất 10 năm trước khi vinh danh nhà khoa học.

Giải Nobel Y học đã được trao 112 lần từ năm 1901 đến nay, trong đó có 12 phụ nữ từng nhận giải này. Năm 2020, giải thưởng danh giá này thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Charles M.Rice (cùng là người Mỹ) và Michael Houghton (người Anh) với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 theo di chúc của Alfred Nobel, nhà phát minh - nhà từ thiện người Thụy Điển, để lại năm 1895. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hóa học, Văn chương, Hòa bình.

Theo thông báo ngày 23-9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ. Năm nay là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Sau giải Nobel Y học, các giải thưởng Nobel 2021 sẽ lần lượt được công bố trong tuần này là giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn chương, Hòa bình. Riêng giải Nobel Kinh tế (ra đời từ năm 1968 do Ngân hàng Thụy Điển lập và tài trợ) sẽ được công bố vào ngày 11-10.

Tin cùng chuyên mục