1. Từ đầu tháng 10, TPHCM “mở cửa” cho cuộc sống bình thường mới. Chúng ta có những ngày mong “phố thưa lại đầy”, không còn “cửa đóng then cài” và bao mong đợi đó đã thành sự thật.
“Chính vì lẽ đó, ngày mở cửa dường như ai cũng hân hoan, trong đó có tôi nữa. Tôi chụp hình selfie với ly cà phê trên tay cùng sự vui sướng, check-in được ra phố trên facebook cá nhân. Nhưng, sau đó không lâu, một nỗi áy náy ùa đến xâm chiếm lòng tôi khi nghĩ đến bao người không qua khỏi trong mùa dịch, những người có người thân mất đi. Cuộc sống bước vào bình thường mới nhưng nhiều gia đình mãi mãi chẳng bao giờ bình thường được nữa. Tôi cảm thấy việc mình nỡ vui, nỡ phấn khích như là một sự vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, của dân tộc”, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Thái Dương chia sẻ. Cảm xúc nghẹn ngào đó đã khiến anh viết ca khúc Bài ca tôi viết lần này. Lẳng lặng nỗi buồn, khúc hát vang lên, giản đơn mà lay động: Bài ca tôi viết lần này/ Dành cho ai đã chẳng thể bước tiếp hôm nay/ Bài ca tôi viết lần này/ Cho những ai không bao giờ được thấy/ Bài ca tôi viết lần này/ Dành cho ai chẳng kịp lời chia ly lần cuối/ Bài ca tôi viết lần này/ Cho ai hôm nay thành mồ côi…
Có một khoảng thời gian lên mạng xã hội facebook sẽ thấy những trang cá nhân đổi hình đại diện màu đen, những cành sen trắng để tang người thân không qua khỏi dịch bệnh. Bây giờ những bức hình đó vẫn chưa gỡ xuống, chắc chắn rằng nỗi buồn vẫn chưa phai và trong tương lai sẽ khó có thể bình thường như trước. Lời ca Dù qua giông bão miệt mài/ Đã có con tim dâng trao đời rồi tắt mãi/ Nhành hoa sen trắng còn cài/ Nước mắt chưa khô nỗi buồn chưa phai/ Và trong muôn kiếp ở lại/ Có những em thơ bây giờ bơ vơ… đã chạm đến tâm tư bao người, gửi gắm sự đồng cảm với người ở lại, cho em thơ mồ côi. Lời ca hát lên vì nỗi đau là sự sẻ chia với những mất mát. Khán giả Nguyễn Kha đồng cảm: “Không phải súng, không bom đạn nhưng dịch Covid-19 chẳng khác một cuộc chiến. Cuộc chiến này đã mang những người thân yêu của chúng ta ra đi, chẳng bao giờ trở lại. Cảm ơn tác giả đã an ủi người ra đi, xoa dịu người ở lại qua bài hát này”.
2. Người đi đi mãi, người ở lại phải tiếp tục sống, dẫu cho bão dông, dẫu trong tim là khoảng trống mãi chẳng thể lấp đầy. Những nỗi lòng ấy được nhiều nhạc sĩ trẻ đồng cảm và chuyển tải vào các khúc ca.
Giữa giai điệu trầm buồn, tiếng piano của Hồng Phúc, tiếng sáo Trần Thiên Lâm, giọng hát Đức Nhân vang lên vấn vương, thương nhớ: Nghe hương bay trong gió thơm/ Thương ai qua bên kia trời/ Lời chưa nói với người ở lại/ Gửi gắm biết ngỏ cùng ai/ Xin dâng đây nén tâm hương/ Cho âm dương giao hòa lời chưa nói/ Xin nhắn gửi người còn sống thay người nằm lại… Đó là lời ca mở đầu bài hát Tiếng chuông ngân trong gió, tưởng niệm nạn nhân Covid-19 của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Bá Hùng.
“Tiếng chuông ngoài ý nghĩa tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ như lời tạm biệt, nguyện cầu còn mang ý nghĩa như những dư âm của người ra đi. Dư âm đó mãi còn rền, vang vọng trong tâm thức người ở lại. Nếu như có một thế giới khác bên kia trời và người ra đi vẫn đang dõi theo cuộc sống này thì mong họ được an lòng, nhẹ tênh quẳng gánh lo âu bởi những điều họ chưa làm được sẽ có người ở lại chung tay. Họ như cơn gió mát mang hương hoa thơm, vẫn thoảng bay trong cuộc đời này”, nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng chia sẻ. Bài hát mang màu sắc như bản nhạc cổ điển, có đớn đau, có tiếc thương ngay cả những đoạn không lời.
Bằng một cách nào đó, nhạc sĩ trẻ Hứa Kim Tuyền dường như hóa thân để hiểu lời cát bụi, giãi bày tiếng lòng người đi qua ca khúc Nếu một mai tôi bay lên trời. Tiếng hát Trúc Nhân cất lên, thoáng nhẹ nhàng mà dâng trào nghẹn ngào: Nhắm mắt thấy tôi quay về/ Về với bữa cơm nhà, mà bao lâu tôi bỏ qua/ Nhắm mắt thấy ba mẹ ngồi/ Bên đứa em thơ dại, nhìn lại năm tháng qua. Và nhắn nhủ rằng: Nếu một mai tôi có bay lên trời/ Thì người ơi, tôi đã sống rất thảnh thơi… Ca từ giàu hình ảnh, dạt dào cảm xúc gắn với những gì gần gũi, thân thương nhất khiến trái tim người nghe như chùng lại.
Xin tiễn người đi bằng nụ cười yêu thương, xin ôm thật chặt người ở lại bằng câu hát chân thành.
Khúc tưởng niệm khiến người ta dâng trào cảm xúc, đau quặn thắt, cũng có thể khiến người ta được sẻ chia, đồng vọng tâm hồn. Mỗi khúc ca nói lên bao tâm tư, cảm xúc của người thành phố trong những khoảnh khắc đáng ghi nhớ này, lấy đi nước mắt, cảm thương và mang cả hy vọng. Như lời bài hát: Tôi học cách xua đau thương bằng nụ cười/ Và bằng niềm tin ở con người/ Nếu một mai tôi có đi qua đời/ Thì người ơi, tôi đã sống rất tuyệt vời/ Thì ngày mai xin hãy tiễn bằng nụ cười… |