Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey ra mắt sách “Chữa lành những sang chấn tuổi thơ”

Với cuốn sách Chữa lành những sang chấn tuổi thơ (Saigon Books và NXB Thế giới), nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey cùng Tiến sĩ, bác sĩ Bruce D. Perry đã giúp bạn đọc khám phá những tác động của mất mát đau thương, ngược đãi, lạm dụng tình dục, phân biệt chủng tộc, kỳ thị nữ giới, bạo lực gia đình... để từ đó hiểu thêm về sức khỏe, quá trình chữa lành cũng như khả năng phục hồi và trưởng thành sau sang chấn.

Ngày nay, có rất nhiều trẻ bị bỏ bê gia đình về mặt cảm xúc. Có những em là con cái của những ông bố bà mẹ rất giàu có, và những vị ấy chọn thuê người nuôi dạy con mình theo cách rất thiếu hiểu biết về quá trình phát triển của trẻ. Họ không hiểu tầm quan trọng của tính nhất quán trong các mối quan hệ đầu đời, vậy nên mới giao đứa con còn ẵm ngửa của mình cho những người chăm sóc khác nhau. Và đó cũng là một ví dụ do trường hợp bỏ bê.

Trong phần lớn trường hợp, bỏ bê và sang chấn sẽ cùng diễn ra. Nhưng chúng gây ra những trải nghiệm sinh học rất khác nhau và có thể tác động rất khác đến bộ não và đứa trẻ đang phát triển. Bỏ bê là sự hủy hoại sớm nhất trong đời, khi não bộ đang phát triển với tốc độ nhanh nhất. Sự bỏ bê đầu đời cản trở việc đứa trẻ nhận được sự kích thích cần thiết để phát triển bình thường.

Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey ra mắt sách “Chữa lành những sang chấn tuổi thơ” ảnh 1 Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey và cuốn sách viết chung với Tiến sĩ, bác sĩ Bruce D. Perry 
Trong cuốn sách Chữa lành những sang chấn tuổi thơ, Oprah Winfrey có đề cập với Tiến sĩ Perry về Dani - “cô gái trong khung cửa”. Dani đã bị nhốt và bị bỏ bê nghiêm trọng trong sáu năm đầu đời, việc đó để lại nhiều hậu quả thê thảm và đau đớn cho cuộc đời cô. May mà cô bé đã được đưa đi và nhận nuôi. Hành trình chữa lành tuy chậm đến đau lòng nhưng may mắn là nó chắc chắn. Khi được đưa vào một ngôi nhà đầy yêu thương, cô bé ấy đã bắt đầu khá lên, nhưng cô bé vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội.

Đến bây giờ Dani vẫn phải nỗ lực rất nhiều. Có rất nhiều thứ quan trọng xảy ra trong bộ não đang phát triển của đứa trẻ trong sáu năm đầu đời, và nếu các mạng lưới thần kinh chủ chốt không nhận được trải nghiệm phù hợp vào đúng thời điểm, một số khả năng quan trọng sẽ không phát triển một cách bình thường. Cũng giống như sang chấn, một số câu hỏi thiết yếu có thể giúp ta đánh giá xem tình huống có phải là bỏ bê không, nếu phải thì tác động của nó sẽ lớn tới mức nào? Hành động được xem là bỏ bê sẽ xảy ra vào lúc nào trong quá trình phát triển?

Những sang chấn cũng có thể đến từ sự kết nối của các mối quan hệ. Nếu ta làm quen với một người trong sáu tuần rồi họ biến mất, và một người khác đến chăm sóc ta, rồi người này lại biến mất... bộ não non trẻ của ta sẽ không nhận được đủ “sự lặp lại” với bất kỳ ai để hình thành các cấu trúc cho phép hệ thống sinh học thần kinh liên quan đến mối quan hệ lành mạnh được phát triển.

Theo hai tác giả, chìa khóa để có được mối quan hệ lành mạnh trong đời là chỉ nên có một vài mối quan hệ an toàn, ổn định và đầy yêu thương trong những năm đầu đời. Điều này giúp ta có đủ “sự lặp lại” để xây dựng nền tảng - cấu trúc quan hệ nền tảng - cho phép ta tiếp tục nuôi dưỡng những kết nối quan hệ lành mạnh trong giai đoạn sau này. 

Tin cùng chuyên mục