“Moi ruột” lòng sông giữa mùa lũ
Thời gian qua, dư luận và người dân Bình Định xôn xao về tình trạng các doanh nghiệp ồ ạt đến giữa lòng sông Lại Giang để đào bới, khai thác đất cát chở ra ngoài. Điều đáng nói, việc khai thác cát đã được các đơn vị chức năng của UBND tỉnh Bình Định thống nhất dưới hình thức dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Lại Giang và xử lý lượng đất phù sa sau khi nạo vét để phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn. Mục đích dự án không có gì sai, song quá trình thực hiện và thời điểm thực hiện không phù hợp và phát sinh nhiều bất cập, hệ lụy đến môi trường. Trong đó, trên giấy tờ thì dự án được giao cho Công ty TNHH Xây dựng Thành Hương thực hiện, song thực tế có hàng loạt doanh nghiệp khác cùng tham gia khiến dư luận đặt nghi vấn về việc “núp bóng” dự án tận thu tài nguyên, khoáng sản…
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, thời điểm các doanh nghiệp hoạt động rầm rộ nhất là cuối tháng 9 đến tháng 10-2020. Có thời điểm trên khúc sông Lại Giang, từ cầu Bồng Sơn cũ đến cầu Bồng Sơn mới xuất hiện nhiều mũi khai thác với hàng chục phương tiện, máy múc, xe ben đủ loại liên tục nối nhau chạy giữa lòng sông để múc đất, cát mang ra ngoài. Từ bờ Bắc sông Lại Giang, chúng tôi ghi nhận nhiều bãi tập kết cát với khối lượng rất lớn nằm ở các nhà dân, khu dân cư. Dọc con đường phía bờ Bắc sông Lại Giang, hàng chục phương tiện chạy giăng bụi mù mịt khiến cho đời sống người dân đảo lộn. Tại vị trí chân cầu Bồng Sơn mới, nhiều phương tiện liên tục múc cát đổ lên xe ben trọng tải lớn (trên 10 tấn) để chở ra ngoài theo con đường công vụ mới mở chạy dọc giữa lòng sông… Dòng sông những ngày bão lũ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11-2020 như đại công trường khai thác cát. Hoạt động khai thác cát vượt ra ngoài ranh giới cho phép không chỉ khiến lòng sông biến dạng mà còn có hiện tượng chở cát đi nơi khác, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Buộc dừng dự án
Sáng 4-12, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Sở TN-MT, UBND thị xã Hoài Nhơn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh buộc dừng mọi hoạt động nạo vét, khơi thông dòng chảy kết hợp tận thu đất, cát tại khu vực sông Lại Giang. Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước liên quan đến khối lượng nạo vét theo quy định. Đáng chú ý, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trong hoạt động nạo vét trên và phải thu hồi lại đất, cát để thi công san lấp công trình tại địa phương theo đúng mục đích của dự án, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trước ngày 15-12-2020.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, cho biết: “Vị trí các doanh nghiệp khai thác, tận thu đất, cát trên sông Lại Giang vốn là một bãi bồi có cát và cả bùn đất. Đây là dự án cải tạo phục vụ về cảnh quan đô thị, không phải là điểm mỏ, nên không nằm trong phạm vi cấm khai thác cát để né lũ… Thực ra, do sự nôn nóng của các đơn vị khiến cho dự án phát sinh nhiều bất cập, hệ lụy môi trường để người dân phản ứng. Trước mắt, tỉnh cho dừng dự án để các bên hoàn thiện thủ tục, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, các doanh nghiệp đối với Nhà nước. Còn về việc để doanh nghiệp khai thác quá mức, vượt độ sâu, ô nhiễm môi trường thì đây thuộc trách nhiệm giám sát của UBND thị xã Hoài Nhơn”, ông Vinh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, lý giải: “Việc dự án được thực hiện gấp rút và có sự nôn nóng là để tranh thủ thời điểm công trình đập ngăn mặn sông Lại Giang chưa đóng, mực nước chưa dâng cao…”.
Không phải mới đây, từ lâu việc khai thác cát trên sông Lại Giang đã xảy ra nhiều bất cập khiến người dân bức xúc. Đầu tháng 4-2020, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo UBND huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tự ý cho phép 4 doanh nghiệp tổ chức khai thác cát dưới lòng sông Lại Giang (đoạn qua địa bàn xã Hoài Đức) trong nhiều năm chưa được UBND tỉnh cho phép. Việc khai thác trên cũng với lý do khơi thông dòng chảy, tận thu đất, cát san lấp mặt bằng tại các công trình của địa phương…