Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fahasa: Doanh thu từ nhà sách truyền thống vẫn đạt hơn 90%

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách (10-10-1952 - 10-10-2022), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Minh Thuận (ảnh), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), về những kỳ vọng của công ty trong thời gian tới.  
 Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa)
Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa)

9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Fahasa đã tăng 13% so với năm 2019, là năm có doanh thu cao nhất từ trước tới nay. Dự kiến đến hết năm 2022, doanh thu của đơn vị sẽ đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách (10-10-1952 - 10-10-2022), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa), về những kỳ vọng của công ty trong thời gian tới.  
PV: Năm ngoái, Fahasa đã phải tạm đóng cửa 80% số lượng nhà sách trong một thời gian khá dài vì dịch. Bởi vậy, nhìn vào những doanh số mà Fahasa vừa đạt được, không ít người bất ngờ?  

Ông PHẠM MINH THUẬN: Một trong những lý do là sức nén của thị trường. Sau thời gian dài bị đóng băng vì dịch, khi thị trường được mở cửa trở lại, người dân đã có kế hoạch mua sắm tích cực hơn. Ngoài ra là yếu tố về ngành hàng. Chúng tôi may mắn kinh doanh ngành hàng được gọi là thiết yếu đứng thứ hai sau lương thực thực phẩm. Sau khi hết dịch, nhu cầu quay trở lại học tập, học bù cho những năm bị dịch được nâng lên rất cao. Tất cả mảng sách phục vụ cho học tập, nâng cao kiến thức đều được xã hội tiêu dùng rất nhiều. 

Thực tế, thời gian qua không ít nhà sách truyền thống phải đóng cửa. Nhưng với Fahasa thì tiếp tục mở rộng. Công ty vẫn tìm thấy nhiều tiềm năng ở mô hình này?

Lo lắng cho số phận của các nhà sách truyền thống rơi vào khoảng năm 2014-2015. Đó là giai đoạn thương mại điện tử bắt đầu phát triển, mọi người rất háo hức mua hàng online, sách điện tử cũng có khởi đầu mạnh. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2017-2019, mọi chuyện trở lại cân bằng hơn. Giới xuất bản nhận ra sách điện tử không triệt tiêu sách giấy mà cả hai phải cùng phối hợp tồn tại. Sau năm 2015, sách giấy tăng trưởng trở lại và họ đã tìm cách sống chung với công nghệ. 

Có một thực tế là thương mại điện tử sẽ bán rất mạnh các mảng sách như kinh tế, văn học, kỹ năng. Còn sách thiếu nhi bán online không được, bởi sách thiếu nhi phụ thuộc rất nhiều vào lứa tuổi, giới tính, sở thích… Do vậy, phụ huynh phải dẫn con đến nhà sách để xem con họ thích cái gì và bản thân họ cũng phải trực tiếp xem cuốn sách có cái gì trong đó, mới mua cho con em của họ. Bên cạnh đó là nhu cầu về văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh, đồ chơi, quà tặng, lưu niệm. Chúng tôi đã bố trí nhà sách của mình tương đối cân bằng, chọn sách là trọng tâm nhưng vẫn đẩy mạnh mảng văn phòng phẩm, đồ chơi, đồ dùng học sinh, quà tặng, lưu niệm, mỹ thuật. 

Bên cạnh đó, xu thế tiêu dùng của người dân hiện nay đặc biệt mạnh vào cuối tuần và đặc biệt mạnh ở trung tâm thương mại. Chúng tôi đã tận dụng tối đa xu thế này. Tất cả các nhà sách của Fahasa sau này mở mới đều ở trong trung tâm thương mại và tổ chức thật tốt kinh doanh vào cuối tuần. Nhờ đó, tỷ trọng doanh thu từ các nhà sách truyền thống vẫn đạt 90% tổng doanh thu của Fahasa. 

Ngày nay, sách giấy đã không còn giữ vị trí độc tôn trong thị trường xuất bản mà có thêm nhiều hình thức khác như sách nói, sách điện tử, podcast… Điều này đặt ra cho lĩnh vực phát hành thách thức hay cơ hội?

Hình thức kinh doanh trên nền tảng công nghệ bao gồm sách điện tử, thương mại điện tử, sách nói… Các ứng dụng này đòi hỏi kỹ năng hoặc đầu tư phải phù hợp với xu thế. Có điều, luật về bản quyền của Việt Nam chưa được rõ ràng như nước ngoài, từ đó rất dễ bị mất bản quyền. Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng công nghệ để bán sách, nên cũng chưa đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Chúng tôi đang có một bộ phận nghiên cứu, theo dõi tình hình; khi thị trường đủ lớn mới tính đến chuyện tham gia trực tiếp. 

Công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số ở nước ta đang tác động đến lĩnh vực phát hành như thế nào, thưa ông? 

Chuyển đổi số là việc bắt buộc Fahasa phải làm và tự thân chúng tôi đã làm từ năm 2018 đến bây giờ. Chính vì làm từ sớm nên lúc này, Fahasa mới có thể điều hành toàn bộ hệ thống 120 nhà sách theo thời gian thực và có thể nắm được chi tiết toàn bộ hoạt động. Hiện tại, toàn bộ hệ thống quản lý của Fahasa đều bằng số. Ở các nhà sách đều có camera, nhưng ngoài công dụng bảo vệ, chúng tôi còn kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi khách hàng, qua đó có thể thay đổi, cải tiến cho hiệu quả. 

Thời điểm này, chúng tôi đang nghiên cứu, tìm kiếm phương án cao hơn, ưu việt hơn.

Với kinh nghiệm của mình, theo ông, mấu chốt của câu chuyện chuyển đổi số hiện nay là gì? 

Việc chuyển đổi số hiện nay cần phải có vai trò dẫn dắt của Nhà nước hoặc các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Những công ty công nghệ làm sẵn các phần mềm và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trả phí để sử dụng phần mềm đó. Nếu mỗi doanh nghiệp phải tự thiết kế phần mềm của mình, đôi lúc họ không có khả năng để làm việc đó. 

Tin cùng chuyên mục