Giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (Oscar) lần thứ 86 đã có chủ nhân. Những giải thưởng quan trọng nhất chỉ tập trung vào 1 hoặc 2 bộ phim và thực tế cho thấy, việc lựa chọn phim hay nhất, người xuất sắc nhất đã không chỉ đơn thuần phản ánh giá trị của bộ phim hay tài năng của diễn viên.
Tiếc cho Leo
Diễn viên Matthew McConaughey đã giành giải thưởng “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” qua vai diễn Ron Woodroof trong bộ phim Dallas Buyers Club. Giải Oscar này hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực (giảm 23kg để vào vai) và những gì McConaughey đã thể hiện. Vấn đề ở chỗ, nếu giải Oscar này trao cho diễn viên Leonardo DiCaprio (phim The Wolf of Wall Street), một trong hai diễn viên được đánh giá cao nhất của giải Oscar năm nay thì chúng ta cũng có thể dùng nguyên văn câu trên để dành cho anh. Thực tế, với một nền công nghiệp điện ảnh phát triển như ở Mỹ, trình độ diễn xuất của các diễn viên vào đến vòng đề cử cho giải Oscar hầu như tương đương nhau, sự chênh lệnh trình độ có thể nói là không đáng kể. Chính vì thế, trước Oscar, người ta đã tranh cãi rất nhiều nam diễn viên nào sẽ dành được giải thưởng danh giá nhất, Matthew McConaughey và Leonardo DiCaprio được đánh giá ngang nhau, nhỉnh hơn những người khác một chút vì họ đang ở giai đoạn tỏa sáng nhất của sự nghiệp.
Oscar 2014 đã phản ánh rõ nhất việc một kịch bản phim có vai trò thế nào đến việc được trao giải của một diễn viên, bên cạnh đó còn cho thấy cả ảnh hưởng của vấn đề xã hội đối với việc lựa chọn. Cả hai bộ phim có diễn viên nam chính được đánh giá cao nhất đều có những điểm tương đồng, nếu The Wolf of Wall Street dựa trên câu chuyện có thật của Jordan Belfort một tay trùm chứng khoán thập niên 80 thì Dallas Buyers Club cũng là câu chuyện có thật về Ron Woodroof, một cư dân Texas mắc bệnh AIDS đã tự tìm kiếm nguồn thuốc giá rẻ để trị bệnh và giúp những người giống mình vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Cả hai diễn viên đều thể hiện xuất sắc vai diễn của mình và cũng thể hiện luôn hình ảnh trái ngược của xã hội Mỹ thập niên 80 giữa một bên là sự cuồng loạn của những kẻ giàu có với đồng tiền kiếm được dễ dàng và một bên là sự cùng quẫn của những kẻ ở bước đường cùng của cuộc đời. Và cũng như thế, cả hai vai diễn, hai bộ phim, hai thực tế của một xã hội đã đặt hội đồng giám khảo Oscar trước sự lựa chọn, tôn vinh vai diễn phản ánh một kẻ lừa đảo, sống trác táng hay một con người đang chật vật tìm sự sống cho mình và những người cùng cảnh ngộ.
Và Oscar đã có lựa chọn, sự thất bại đáng tiếc của Leo chỉ là một phần trong một sự thất bại lớn lao hơn, The Wolf of Wall Street tay trắng rời khỏi Oscar lần thứ 86 và cũng là lần thứ 4 Leo vô duyên với giải thưởng này. Phim American Hustle (Săn tiền kiểu Mỹ) cũng là một phim liên quan đến lừa đảo tài chính cũng trắng tay rời khỏi Oscar. Oscar đã lựa chọn tình người hơn là sự thật trần trụi của xã hội được xây bằng tiền bạc.
Quá khứ đau buồn và ước vọng tương lai
Oscar 2014 là giải của những tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật khi một trong những giải thưởng quan trọng nhất, “Phim hay nhất” thuộc về 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) chuyển thể từ hồi ký của Solomon xuất bản năm 1853. Đây là bộ phim tái hiện thời kỳ nô lệ, một giai đoạn đen tối trong lịch sử nước Mỹ. Nhân vật chính là nghệ sĩ vĩ cầm Solomon Northup (Chiwetel Ejiofor), một người da màu tự do sống với gia đình tại New York đã bị bắt cóc, biến thành nô lệ trong suốt 12 năm với đầy những đau đớn tủi nhục. Phim được đánh giá cao khi đã tái hiện đầy chân thực một nước Mỹ trước nội chiến với những hình ảnh đầy ấn tượng, rực rỡ vẻ đẹp của thiên nhiên và khốc liệt với sự tàn bạo của giới chủ nô.
Nếu 12 Years a Slave đoạt giải không gây bất ngờ thì giải “Đạo diễn xuất sắc” cho Alfonso Cuaron với phim Gravity lại là một bất ngờ nho nhỏ vì đây là phim được đánh giá là “dị” nhất trong giải Oscar lần này. Cả phim chỉ có vẻn vẹn 2 diễn viên, một chính (Sandra Bullock) và một phụ (George Clooney). Bối cảnh là một tai nạn trên vũ trụ, hai phi hành gia đang ở ngoài khoảng không thì tàu con thoi cùng các đồng nghiệp của họ bị hủy diệt trong một tai nạn thảm khốc. Để sinh tồn, họ phải lần mò trong khoảng không vũ trụ đến các trạm không gian còn sót lại để tìm cách trở lại trái đất. Điểm ấn tượng nhất của phim là đã thể hiện nỗ lực sinh tồn của con người dù trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất cùng những cảnh quay độc đáo thể hiện tình trạng không trọng lượng trong suốt bộ phim. Chính những cảnh quay này đã giúp phim đoạt giải “Quay phim đẹp nhất”, “Dựng phim hay nhất”, “Hiệu ứng hình ảnh đẹp nhất”… Ngoài ra, Gravity còn giành thêm một loạt giải phụ khác như “Nhạc phim hay nhất”, “Hòa âm hay nhất”, “Dựng âm thanh hay nhất”.
Có thể nói Oscar 2014 đã chọn lựa những tác phẩm phản ánh đậm nét tình người, nhân văn dù là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai.
TƯỜNG VY
>> Phim "Gravity" thắng lớn ở Oscar 2014