Phần lớn dược liệu sử dụng trong nước phải nhập khẩu từ Trung Quốc

Mỗi năm, Việt Nam sử dụng tới 60.000 tấn dược liệu các loại nhưng trong đó có từ 80-85% dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc).
Phần lớn dược liệu sử dụng trong nước phải nhập khẩu từ Trung Quốc

(SGGPO). - Mỗi năm, Việt Nam sử dụng tới 60.000 tấn dược liệu các loại nhưng trong đó có từ 80-85% dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc).

Phần lớn dược liệu sử dụng trong nước phải nhập khẩu từ Trung Quốc ảnh 1

Kiểm tra chất lượng một vùng chuyên canh cây thuốc Già Cổ Lam

Trong khi đó, tổng sản lượng dược liệu được trồng trọt hàng năm ở nước ta chỉ được khoảng 5.000 tấn... Đây là những được đưa ra tại cuộc toạ đàm "Phát triển dược liệu bền vững" do Bộ Y tế phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức ngày 8-6 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu và là quốc gia sở hữu nhiều dược liệu quý, hiếm. Hơn nữa, chúng ta còn có một kho tàng tri thức khổng lồ trong sử dụng cây, con làm thuốc của cộng đồng các dân tộc. Ông Phạm Vũ Khánh- Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, trong số 12.000 loài thực vật ở nước ta có gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc, phân bố rộng khắp trên cả nước. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý có công dụng chữa bệnh lẫn giá trị kinh tế, được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất vẫn là nơi có địa hình núi cao, tập trung nhiều quần thể rừng phía Bắc, phía Tây và một số tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang.

Mặc dù tiềm năng về dược liệu của nước ta là rất lớn nhưng việc phát triển đưa những tiềm năng này thành hiện thực, mang lại giá trị kinh tế cao lại đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc nuôi trồng, phát triển các vùng chuyên canh cây dược liệu vẫn ở mức nhỏ lẻ nên tổng sản lượng dược liệu được trồng trọt hàng năm ở nước ta chỉ được khoảng 5.000 tấn, tập trung chủ yếu vào một số loại cây truyền thống như: Thanh hao hoa vàng, Mã đề, Ngưu tất, Sa nhân, Đương quy, Lô hội, Diệp hạ châu, Hương nhu...Trong khi đó, việc thu mua dược liệu hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái và chỉ có một số ít đặt theo đơn hàng của các doanh nghiệp. Đáng lo ngại hơn, công tác quản lý khai thác dược liệu hiện còn rất lỏng lẻo, nhiều dược liệu quý hiếm đang bị khai thác bừa bãi ở nhiều địa phương, rồi bị xuất lậu sang nước ngoài mà chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết thêm, do nguồn dược liệu ở trong nước không đủ để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nên hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn dược liệu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm, nước ta sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu để phục việc sản xuất thuốc từ dược liệu và điều trị nhưng trong đó chiếm tới 80-85% dược liệu sử dụng là có nguồn gốc nhập khẩu. Tuy nhiên đáng báo động là phần lớn dược liệu được nhập khẩu lại không rõ nguồn gốc và việc kiểm tra chất lượng tại các cửa khẩu chỉ chủ yếu tập trung vào số lượng, trọng lượng hàng hóa mà không kiểm tra được chất lượng của dược liệu vì thiếu cán bộ có chuyên môn.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục