Phát hành phim trong nước bức xúc tỷ lệ ăn chia bất hợp lý

Tám đơn vị hoạt động trong ngành điện ảnh gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và VAA vừa có thư gửi tới các cơ quan chức năng nêu thực trạng bất hợp lý trong lĩnh vực phát hành phim trong nước. Cuối tuần qua, Bộ VH-TT-DL đã có buổi làm việc trực tiếp để ghi nhận khó khăn và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của các đơn vị này.
Phát hành phim trong nước bức xúc tỷ lệ ăn chia bất hợp lý

Tám đơn vị hoạt động trong ngành điện ảnh gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và VAA vừa có thư gửi tới các cơ quan chức năng nêu thực trạng bất hợp lý trong lĩnh vực phát hành phim trong nước. Cuối tuần qua, Bộ VH-TT-DL đã có buổi làm việc trực tiếp để ghi nhận khó khăn và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của các đơn vị này.

Khán giả Việt xem phim tại một rạp thuộc hệ thống Galaxy tại TPHCM Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cá lớn nuốt cá bé

Theo thư của 8 đơn vị điện ảnh này thì dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, đơn vị CGV (Hàn Quốc) đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45/55 (nhà phát hành chỉ được 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).

CGV hiện sở hữu 40% hệ thống rạp chiếu trong nước, giữ vị trí thống lĩnh thị trường phát hành phim tại Việt Nam. Theo đại diện của 8 đơn vị điện ảnh trên thì các nhà phát hành phim trong nước không còn cách nào khác đã phải chịu sự áp đặt của CGV do số lượng rạp của đơn vị này quá lớn, nếu không đồng ý tỷ lệ đó thì phim sẽ không được chiếu ở 40% tổng số rạp. Theo các đơn vị điện ảnh cùng có mặt trong buổi làm việc, sự chênh lệch tỷ lệ giữa nhà sản xuất và nhà phát hành phim như hiện nay là rất bất hợp lý, chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được tỷ lệ lớn hơn nhà sản xuất - phát hành. Bởi chính nhà sản xuất - phát hành mới là người bỏ ra chi phí làm phim, marketing…

Cũng theo nhận định của 8 đơn vị sản xuất phim Việt thì “các rạp chiếu phim của CGV thường có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt các phim do chính nước họ sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung “giờ vàng” lâu hơn”.

“CGV đang áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau, điều này là bất bình đẳng trong cạnh tranh, có dấu hiệu vi phạm khoản 4 điều 11, mục 2 chương II Luật Cạnh tranh”, đại diện các đơn vị này cùng khẳng định. Năm 2016, phim Việt Nam sản xuất rất nhiều so với các năm trước, các nhà sản xuất phim trong nước cũng lăn xả đầu tư số tiền lớn với dự án tâm huyết của mình. Nhưng với cách chia doanh thu như CGV đang làm, nhà sản xuất trong nước sẽ rất khó có đủ tiền trả lại cho nhà đầu tư, rồi tái tạo vòng vốn để tiếp tục đầu tư tác phẩm mới! Đã đến lúc cần phải lên tiếng để tìm lại sự công bằng”, đại diện Công ty VAA chia sẻ.

Tuy nhiên, theo đại diện của 8 doanh nghiệp điện ảnh, văn bản gửi đến các đơn vị chức năng liên quan chỉ là tâm thư, không phải đơn kiện và chỉ muốn được giãi bày với cơ quan chức năng chức năng để hiểu rõ hơn về thực trạng hiện nay của lĩnh vực phát hành phim ở nước ta, trước các tập đoàn phát hành phim lớn từ nước ngoài.

Sẽ giải quyết bằng khởi kiện?

Tiếp thu ý kiến của các đơn vị điện ảnh, song Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên trong buổi gặp gỡ đại diện 8 đơn vị điện ảnh này đã một lần nữa khẳng định: “Bộ ủng hộ việc cạnh tranh lành mạnh và các doanh nghiệp làm đúng luật. Sự nghiệp phát triển điện ảnh Việt Nam phải có sự nỗ lực của các đơn vị điện ảnh trong nước. Vì vậy, bộ mong muốn các đơn vị điện ảnh Việt Nam đoàn kết, tạo nên sức mạnh thực lực. Phát triển điện ảnh Việt Nam về lâu dài là vì người dân, vì cộng đồng và không dựa vào doanh nghiệp nước ngoài”.

Trước buổi làm việc này, lá tâm thư của 8 đơn vị điện ảnh cũng được gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam. Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị này gặp phải, song Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Xuân Hải cho biết: Hội không can thiệp được vào chuyện này vì thuộc chức năng của cơ quan quản lý nhà nước là Cục Điện ảnh và Bộ VH-TT-DL. Những điều các doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị, trong Luật Điện ảnh cũng không rõ, chỉ giải thích chung chung, cũng không cấm nên hội chỉ kiến nghị các công ty Hàn Quốc sang Việt Nam kinh doanh được tạo điều kiện thuận lợi thì cũng nên tìm hiểu về các đối tác hoạt động cùng lĩnh vực, ứng xử như thế nào cho văn hóa và phù hợp và cũng nên tìm hiểu chính sách ưu tiên phim Việt của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, cần nghiên cứu xem các doanh nghiệp Việt Nam đang đúng gì, CGV sai gì và tiến tới thỏa thuận cùng nhau trước khi nghĩ đến vấn đề khởi kiện. Cũng theo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, bộ sẽ sớm có cuộc làm việc với đại diện CGV để có ý kiến về vấn đề này trong thời gian tới.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục