Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2019, bệnh SXH giảm 72%, tay chân miệng giảm 73%, và bệnh sởi giảm đến 92%.
Nguyên nhân giảm theo các chuyên gia y tế dự phòng là do các hoạt động tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân thực hiện vệ sinh cá nhân và không tụ tập đông người nên các bệnh truyền nhiễm lưu hành cũng giảm, đặc biệt là sởi và tay chân miệng.
Bên cạnh đó, do giãn cách xã hội, cũng như tâm lý ngại đến bệnh viện trong và sau mùa dịch nên tỷ lệ bệnh nhân nhập viện được ghi nhận cũng giảm.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, HCDC, thông qua hoạt động giám sát, HCDC ghi nhận có nhiều trường học trên địa bàn chưa thực sự chú trọng đến công tác phòng chống bệnh SXH.
Chỉ trong tuần cuối của tháng 5-2020, Trung tâm đã phát hiện 8/117 trường học được kiểm tra có ổ lăng quăng dù học sinh vẫn đang đi học bình thường. Bên cạnh đó, có nhiều trường học không thực hiện thu gom, dọn dẹp vật chứa nước khiến phát sinh các điểm nguy cơ mới.
“Nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ bùng phát ổ dịch SXH trong trường học rất lớn, bởi học sinh còn phải tiếp tục đến trường đến giữa tháng 7-2020”, bác sĩ Lê Hồng Nga nhìn nhận.
BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, điều đáng lo là nhiều người nghĩ rằng dịch bệnh Covid-19 đã hết rồi nên mang tâm lý chủ quan trong điều kiện bình thường mới. Việc vi phạm để phát sinh ổ lăng quăng trong trường học, cơ quan hành chính Nhà nước cũng cần phải xử phạt nghiêm khắc để phòng chống dịch bệnh SXH.
Sở Y tế sẽ có công văn gửi Sở GD-ĐT TP để phổ biến về vấn đề chịu trách nhiệm trong vấn đề này và yêu cầu các trường học phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.