Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực

Khi phát hiện thấy sai phạm, phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Ngày 19-6, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành ủy cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phải hoạt động nền nếp, bài bản, thực chất, theo đúng chức năng, nhiệm vụ; hiệu quả công tác ngày càng cao; hoạt động của Ban Chỉ đạo phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng; tránh phô trương, hình thức, “thành lập cho có”, “được chăng hay chớ”; nhất là tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần. Muốn thế, phải có chương trình, kế hoạch, quy chế làm việc một cách bài bản, chặt chẽ; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo rõ ràng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng với đó, cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kết hợp việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp với việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; chú ý tập trung vào các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực hoặc có dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. “Khi phát hiện thấy sai phạm, phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Các đồng chí chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các đồng chí chủ trì và điều hành hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”.

Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao; chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; kiên quyết, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục bằng được tệ “tham nhũng vặt”, gây bức xúc trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân.

“Thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta, như Bác Hồ đã dạy”, Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nhất là chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ tới; kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp; phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTNTC; tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp; vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần lập đường dây nóng hoặc phương thức phù hợp để tiếp nhận những thông tin của nhân dân về công tác chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực và các cơ quan chức năng làm công tác PCTNTC.

Các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - phải nỗ lực, cố gắng vươn lên khẳng định vị thế, vai trò là trung tâm khâu nối, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC ở địa phương; tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong công tác PCTNTC, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

Quang cảnh điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quang cảnh điểm cầu trụ sở Trung ương Đảng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này; phải quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNTC thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNTC nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.

“Phải PCTNTC, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan PCTNTC”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh; đồng thời khẳng định: “PCTNTC là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi”.

Tin cùng chuyên mục