“Phiêu dạt”: Mở rộng biên độ tưởng tượng để mở rộng biên độ lương tri

Sau 6 tiểu thuyết đã ra mắt, mới đây, tác giả Thương Hà vừa trở lại với tiểu thuyết thứ 7 có tên gọi Phiêu dạt (Huyền Đức và NXB Đà Nẵng). Tác phẩm dày hơn 500 trang, được tác giả viết miệt mài suốt 4 tháng.

Tác giả Thương Hà tốt nghiệp chuyên ngành luật và tâm lý học nhưng lại có đam mê đặc biệt với văn chương. Đặc biệt, ngay từ khi bén duyên văn chương, chị đã lựa chọn thể loại tiểu thuyết để “dụng võ”, bất ngờ lẫn tò mò khi chỉ trong một thời gian ngắn, đã ra mắt lần lượt các tác phẩm: NALIS xô dạt bờ định mệnh, Một con đường, Bóng đêm của Diệu, Người PTSD, Những oan hồn bất tửVùng biên không yên tĩnh.

Đề tài trong các tác phẩm của Thương Hà luôn thay đổi, nhưng có thể thấy, chị vẫn dành sự quan tâm nhất định đối với chiến tranh. Sinh ra trong hòa bình, tác giả Thương Hà chọn một cách khác để nhìn về chiến tranh, chị muốn lý giải sự tàn khốc của chiến tranh bằng sự chia sẻ và sự nhân ái. Bám vào thông điệp “mỗi dân tộc bằng cách này hay cách khác đều dự phần vào định mệnh nhân văn của nhân loại”, tiểu thuyết Phiêu dạt chia làm 42 chương, xoay quanh sự thức tỉnh của 5 nhân vật Vương, Đạt, Mohamed Awad, Donzefski và Richard Hùng. Điều đặc biệt là cả 5 cuộc đời này không còn trên dương thế nhưng linh hồn của họ vẫn vất vưởng giữa những câu chuyện sám hối và ăn năn.

"Phiêu dạt" là tiểu thuyết thứ 7 của tác giả Thương Hà, do Huyền Đức và NXB Đà Nẵng phát hành

"Phiêu dạt" là tiểu thuyết thứ 7 của tác giả Thương Hà, do Huyền Đức và NXB Đà Nẵng phát hành

Tác giả Thương Hà dùng lời của nữ nhà văn tên Lam để kể chuyện thật chậm rãi và day dứt. Vương, Đạt, Mohamed Awad, Donzefski và Richard Hùng có xuất thân khác nhau, thụ hưởng văn hóa và giáo dục khác nhau. Thế nhưng, họ đều dự phần vào chiến tranh theo cách riêng của mỗi người. Và khi hội ngộ trước cửa luân hồi thì mỗi người mang theo một niềm day dứt. Linh hồn họ phiêu dạt trong bế tắc nhưng vẫn khao khát tìm đường về cõi thiện của nhân tính.

Bước ra từ chiến tranh, các nhân vật đều có chung một dằn vặt: “Bất kỳ một cuộc chiến tranh nào cũng đều tàn khốc cả. Cho dù mục đích của nó là gì. Cho dù là bên sai hay bên đúng. Khi đạn ra khỏi nòng, khi máu đã đổ xuống, khi những xác người chồng chất lên nhau, thì đều tàn khốc cả thôi”.

Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhận xét: “Tiểu thuyết Phiêu dạt chứng tỏ sự nhạy bén của tác giả Thương Hà trong việc chọn lựa và khai thác đề tài. Thông qua sự phục thiện từ những linh hồn bị dày xéo bởi chiến tranh, tác giả mang đến sự ân cần và trìu mến với cuộc sống ấm êm và tự do của mỗi số phận”.

Tin cùng chuyên mục