Phim Bà vú và những chuyện chưa kể

Cinemasia Film Festival lần thứ 20 diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10-3 tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Trong khuôn khổ liên hoan phim, chương trình Crossing borders: Asian - European media makers đã chọn giới thiệu phim ngắn đầu tay Old Miss của biên kịch - đạo diễn Trần Vân Chinh (Việt Nam) vào sáng 9-3. Các diễn viên trong phim đều là người Việt và gốc Việt tại Hà Lan.

Một cảnh trong phim Bà vú
Một cảnh trong phim Bà vú

Old Miss (tạm dịch: Bà vú) kể về một bảo mẫu đã phải rất khó khăn khi nói lời chia tay hai đứa trẻ mà bà đã tận tâm chăm sóc, gắn bó một thời gian dài. Đây là kịch bản do Trần Vân Chinh hoàn thành từ 3 năm trước. Cô kể: “Viết xong thì để đó, không nghĩ có ngày chính mình lại làm đạo diễn phim này”.

Phải nhấn mạnh điều này bởi Trần Vân Chinh chuyên về biên kịch. Cô theo học về thiết kế đa phương tiện tại Đại học RMIT ở TPHCM. Sau khi ra trường, Chinh làm việc cho một số công ty quảng cáo. Từ năm 2018, cô bắt đầu hành trình 4 tháng ở Bồ Đào Nha, 4 tháng ở Scotland và một năm đến Estonia theo chương trình thạc sĩ của Erasmus chuyên về viết kịch bản. Trần Vân Chinh đã tham gia một số liên hoan phim ở châu Âu, nhưng đều ở vai trò viết kịch bản cho người khác đạo diễn. Năm 2021, khi quyết định chuyển tới Hà Lan để tìm cơ hội mới cho các dự án phim, không ngờ ý tưởng kịch bản hình thành từ một chuyến sang Đức của Chinh có cơ hội được dựng thành phim, lại do chính tay cô dàn dựng. Nói vui thì bà đỡ cho Bà vú chính là Cinemasia Film Festival.

Cinemasia Film Festival có một số chương trình hỗ trợ tài năng điện ảnh. Điển hình là Cinemasia FilmLAB thúc đẩy sự hiện diện của các tài năng điện ảnh Hà Lan gốc Á bằng cách tạo cơ hội cho họ đưa câu chuyện của mình lên màn ảnh rộng. Và một trong các cơ hội ấy đã đến với Trần Vân Chinh. Cuối năm 2023, cùng với sự nhiệt tình cộng tác và giúp đỡ của Helen, nhà sản xuất phim, dự án Bà vú đã được 2 quỹ tài trợ là Amarte Fonds và Amsterdams Fonds voor de Kunst. Rất nhanh chóng, đoàn phim được hình thành, và cũng chính Helen thuyết phục Vân Chinh đảm nhận luôn vai trò đạo diễn phim.

Tháng 1-2024, có ba nhân vật đặc biệt từ Amsterdam đi theo đoàn phim Bà vú đến thành phố cảng Rotterdam để bấm máy. Hai đứa trẻ trong phim cũng chính là hai chị em ruột ngoài đời, bé Celine Wong 9 tuổi và bé Louis Wong 5 tuổi. Hai chị em là người Hà Lan có mẹ gốc Việt và bố gốc Hồng Công. Chọn quay ở đâu thì còn cân nhắc, chứ chọn diễn viên thì Vân Chinh không do dự. “Em quyết tâm phải tìm người Việt Nam đóng phim này. Đặc biệt, nhân vật bà vú phải là người lớn lên ở Việt Nam rồi mới sang châu Âu, phải nói sõi tiếng Việt. Thoạt đầu, em nghĩ tìm nhân vật kiểu này ở Hà Lan có thể hơi khó, vì cộng đồng người Việt không đông. Kế hoạch B của em là sang Đức hoặc Cezch tìm. Nhưng khi lên Facebook đăng tuyển diễn viên, may mắn nhận được nhiều phản hồi. Trong hình dung của em thì bà vú khoảng 60 tuổi. Nhưng khi chị Hà, 49 tuổi, lấy chồng và chuyển sang Hà Lan định cư mới được hai năm tới thử vai, em thấy rất hợp nên quyết định chọn bà vú trẻ hơn dự kiến”.

Giới làm phim thường nhắc nhau về hai điều nên tránh trong phim đầu tay: quay trẻ em và quay động vật. Hai đối tượng “tự nhiên đến hồn nhiên” này thường rất khó ép vào khuôn khổ. Thế mà phim đầu tay của Trần Vân Chinh có luôn hai chị em Celine và Louis thông minh, lém lỉnh. Những ngày biên tập phim để công chiếu vào sáng 9-3, chị Anna Đặng, mẹ của hai diễn viên nhí kể: “Dầm lạnh cả ngày dài quay phim, bé Celine bị bệnh vẫn có ý thức hoàn thành vai diễn một cách tốt nhất. Các cô chú trong ê kíp gửi rất nhiều tin nhắn khen diễn xuất và thần thái của con gái làm mẹ cũng hồi hộp chờ xem thế nào”. Còn đạo diễn Vân Chinh thì đặc biệt ấn tượng với cậu em Louis và trải nghiệm lần đầu quay trẻ em. “Rất tự nhiên, hơi khó kiểm soát nhưng lại toát ra nét dễ thương trong khung hình”, Vân Chinh chia sẻ.

Sau khi ra mắt ở Cinemasia Film Festival 2024 tại Hà Lan, phim ngắn Bà vú dự kiến sẽ được tiếp tục chiếu ở Hà Lan và một số nước châu Âu.

Tin cùng chuyên mục