Phim lịch sử hay võ hiệp kỳ tình?

Đó là khẳng định của nhà sản xuất (Phương Nam Phim, Saiga Films, Hãng phim Thanh Niên) khi đóng máy bộ phim, chuẩn bị cho dịp ra mắt vào Tết Nguyên đán sắp tới.

Mặc dù bộ phim được phóng tác từ tiểu thuyết dã sử Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn, mặc dù trong phim có các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ…, có vụ án nổi tiếng trong lịch sử thời Lê – vụ án Lệ Chi Viên, tru di tam tộc gia đình Nguyễn Trãi, nhưng nhà sản xuất cho rằng tất cả chỉ là cái cớ để những nhà làm phim sáng tác lên một câu chuyện theo phong cách võ hiệp kỳ tình.

“Một bộ phim hoàn toàn Việt Nam, không phải lịch sử, cũng không thuộc dòng dã sử. Phim chọn hướng đi đậm chất Việt”, nhà sản xuất nhắc đi nhắc lại để tránh những tranh cãi về lịch sử đối với bộ phim. Tuy nhiên, ngay khi những hình ảnh đầu tiên được tung ra, Thiên mệnh anh hùng đã trở thành phim được mổ xẻ nhiều trên các trang mạng về độ thuần Việt, về phục trang, về võ thuật… có vẻ giống Trung Quốc.

Đạo diễn Victor Vũ phát biểu: “Đúng là xem trailer thấy rất giống với phim chưởng Trung Quốc vì các nhân vật có những màn đánh đấm, bay nhảy. Nhưng không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ… cũng sử dụng cảnh bay nhảy đó để làm phim võ thuật. Ngoài cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Bùi Anh Tấn, tôi còn lấy cảm hứng từ bộ phim mà tôi rất thích đó là Star Wars (Cuộc chiến giữa những vì sao)”.

Còn Johnny Trí Nguyễn, đạo diễn hành động của phim, cho biết: “Tôi không liệt kê bay nhảy vào võ thuật, đó đơn giản chỉ là mặt tạo hình. Tôi cũng không phân biệt võ Việt Nam hay võ Trung Quốc, tôi chỉ biết võ Việt Nam. Trong võ thuật có những thế căn bản rất giống nhau. Những điểm riêng biệt giữa võ Việt Nam và võ Trung Quốc rất ít người biết, chỉ trừ những người học võ…”.

Bên cạnh những tranh cãi đó, bộ phim gắn với đạo diễn nhiều điều tiếng Victor Vũ còn vấp phải thị phi về tác quyền chuyển thể tác phẩm. Tại buổi họp báo, khi được hỏi về tác quyền trả cho nhà văn. Đại diện nhà sản xuất cho biết, không thể tiết lộ nhưng nhà văn Bùi Anh Tấn cảm thấy hết sức hài lòng. Tuy không phản ứng ngay tại cuộc họp báo nhưng sau đó trả lời các báo, nhà văn tỏ vẻ bức xúc.

Ông cho biết: “Cách nhà sản xuất nói dễ gây hiểu nhầm, bạn bè, độc giả nghĩ tôi được trả từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng vì kinh phí làm bộ phim này đến hơn 25 tỷ đồng. Tôi không hề ký bất cứ hợp đồng nào về bản quyền cũng không nhận một đồng nào về tác quyền cuốn tiểu thuyết”.

Nhà văn Bùi Anh Tấn cho biết, nhà sản xuất có đề nghị ký hợp đồng nhưng vì các điều khoản không thích hợp, số tiền không đáng nên ông quyết định cho không ý tưởng. Cái ông cần là sự công bố rõ ràng, trung thực về điều này… Rõ ràng, nếu đúng như thế, nhà sản xuất đã có cách cư xử không mấy đẹp. Điều này phần nào đã gây mất cảm tình tới bộ phim.   

Với sự đầu tư lớn, khoảng 25-26 tỷ đồng, máy móc thiết bị quay phim tân tiến nhất, lần đầu sử dụng tại Việt Nam, đoạn trailer đã cho thấy cảnh quay đẹp, công phu, có thể sẽ là bộ phim hấp dẫn trong dịp tết. Riêng dưới góc độ phim lịch sử, về mặt hình thức, rõ ràng Thiên mệnh anh hùng đã có được cái mà nhiều nhà làm phim lịch sử Việt Nam mong muốn. Đó là chi phí đầu tư lớn, bối cảnh hoành tráng, máy móc thiết bị hiện đại, sự cởi mở, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm…

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục