Phim tết 2022: Nuôi hy vọng

Mùa phim tết luôn là thời điểm được các ê kíp sản xuất, phát hành cũng như khán giả mong đợi và kỳ vọng. Trong tâm thế thấp thỏm vì dịch bệnh, năm nay phim tết Việt đang có sự phân hóa sắc thái rõ ràng ở 2 lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. 
1990 hiện là phim duy nhất xác nhận tham gia mùa phim Tết 2022
1990 hiện là phim duy nhất xác nhận tham gia mùa phim Tết 2022

Điện ảnh chờ đợi

“Chúng tôi nhận thấy câu chuyện có màu sắc phù hợp với mùa tết nên quyết định chọn ra mắt vào dịp này. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chúng tôi mong muốn mang đến một cái tết vui vẻ cho khán giả”, là chia sẻ của đạo diễn Nhất Trung khi quyết định đưa 1990 - phim Việt đầu tiên công bố phát hành vào dịp tết 2022. 

Dù cận kề nhưng đến thời điểm này, thị trường phim tết vẫn vô cùng im ắng. Theo ông Đặng Vĩnh Hoàng, Trưởng phòng Phát hành Galaxy Studio: Thị trường phim tết năm nay nhìn chung sẽ vắng bóng phim Việt hơn so với những năm trước. Lý do chủ yếu là tình hình dịch Covid-19 làm gián đoạn sản xuất và các dự án mới cho tết 2022 không bấm máy được, tạo cơ hội cho các phim đã sản xuất trước dịch. Ngoài 1990, dự kiến có thêm Chìa khóa trăm tỷ (đạo diễn Võ Thanh Hòa) cùng một số phim ngoại nhập chiếu dịp tết. Dễ hiểu khi hầu hết các ê kíp vẫn chọn án binh bất động để theo dõi tình hình thị trường, nhất là khi rạp chiếu phim tại TPHCM mới mở cửa trở lại, lượng khán giả đến rạp còn thấp. 

Phim tết 2022: Nuôi hy vọng ảnh 1 1990 hiện là phim duy nhất xác nhận tham gia mùa phim tết 2022 

Trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mùa phim tết vẫn luôn là “mỏ vàng” với điện ảnh Việt. Giá vé cao, thời gian nghỉ dài… góp phần tạo nên nhiều kỷ lục trăm tỷ đồng.

Trong tốp 10 phim Việt có doanh thu cao nhất, nhiều cái tên được phát hành vào dịp tết như Cua lại vợ bầu (191,8 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu 3 (165 tỷ đồng), Siêu sao siêu ngố (109 tỷ đồng)... Đó là cơ sở để đạo diễn Nhất Trung có niềm tin: “Tết luôn là dịp đặc biệt và nhiều năm qua, khán giả đã có thói quen quây quần bên gia đình, đi các trung tâm thương mại ăn uống, xem phim. Khi đạt miễn dịch cộng đồng, số ca mắc Covid-19 giảm và nền kinh tế có dấu  hiệu khả quan, tôi tin không khí đó sẽ quay trở lại”. 

Nhận định thu nhập và chi tiêu sau dịch có tác động đến việc ra rạp, nhất là tâm lý dè chừng những nơi đông người, thắt lưng buộc bụng, tập trung làm việc nhiều hơn thay vì ưu tiên cho giải trí, ông Đặng Vĩnh Hoàng cho rằng, thị trường cần đủ kiên nhẫn để chờ khán giả. Tuy nhiên, ông vẫn dự báo lạc quan: “Rất may vẫn có nhiều phim bom tấn ra rạp từ đầu tháng 11 cho đến dịp Giáng sinh. Điều này sẽ giúp thị trường dần trở lại và có 3 tháng hâm nóng trước khi khán giả quay lại mùa tết 2022. Chúng tôi cũng hy vọng tới thời điểm đó, tâm lý ra rạp xem phim của khán giả sẽ hoàn toàn trở lại bình thường và có một mùa tết thật ấm cúng”. 

Truyền hình tăng tốc

 Tính đến thời điểm này, có 7 phim truyền hình đã và đang được sản xuất. Hai dự án của đạo diễn Dũng Nghệ: Hẹn hò cùng thần tượng và Sống ảo, mất thật, cùng Thấy mai là thấy Tết (đạo diễn Văn Công Viễn) đã hoàn thành quá trình ghi hình, đang làm hậu kỳ. Series phim ca nhạc Tết muôn nhà (đạo diễn AT Nguyễn) vừa bấm máy cách đây không lâu.

Các dự án chuẩn bị bấm máy gồm: Vũ điệu đón xuân (đạo diễn Xuân Phước), Khi lác tỏa hương (đạo diễn Hồ Ngọc Xum), Tình thắm duyên xuân (đạo diễn Nguyễn Phương Điền).

“Sau thời gian tạm ngưng vì dịch bệnh, đây là thời điểm các đơn vị đẩy mạnh sản xuất”, đạo diễn Xuân Phước nhận định. 

Điểm chung của các phim truyền hình tết năm nay là vẫn truyền tải câu chuyện về gia đình, tình yêu, tôn vinh giá trị truyền thống. Xoay quanh chuyện tình của người hâm mộ với người nổi tiếng, theo đại diện ê kíp Hẹn hò cùng thần tượng: “Bộ phim kể câu chuyện cũ nhưng với chất liệu mới mang đầy hơi thở hiện đại, góc nhìn mới mẻ, hài hước”. Thấy mai là thấy Tết muốn gửi tới người xem về định nghĩa tết hiện đại, nhưng không mất đi giá trị truyền thống với thông điệp: ở đâu bên gia đình, ở đó có tết và ở đâu có mẹ, ở đó là tết. Chỉ có tình yêu thương mới giúp vượt qua khó khăn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, cũng là điều đạo diễn Xuân Phước muốn gửi gắm qua bộ phim Vũ điệu đón xuân.  

Nhìn vào các dự án trong mùa tết năm nay có thể thấy, các ê kíp rất chịu khó tìm tòi những câu chuyện mới, mang hơi thở nhịp sống thời đại. Khi lác tỏa hương đề cập đến câu chuyện nhiều người thất nghiệp vì dịch bệnh phải trở về quê hương, nhưng cũng mở ra con đường làm giàu từ nghề truyền thống.

Đạo diễn Xuân Phước quyết định chọn nghệ thuật múa lân - sư - rồng cùng những người luôn giấu mặt sau những bộ đồ hóa trang để lần đầu tiên đưa vào phim truyện qua Vũ điệu đón xuân. Series phim ca nhạc Tết muôn nhà kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và nhạc rap hiện đại. Câu chuyện về những người trẻ với thông điệp hãy chính là mình và biết sống thật với chính mình, bạn sẽ có hạnh phúc trong Sống ảo, mất thật cũng rất đáng suy ngẫm.

Theo biên kịch Châu Thổ: “Sống ảo đang như một loại virus lây lan mạnh trong đời sống xã hội, trong từng gia đình và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mỗi người không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giai tầng”. 

So với các mùa phim tết trước đây, năm nay các đoàn phim gặp nhiều áp lực hơn cả về tiến độ và đảm bảo an toàn cho các thành viên. Chia nhỏ đoàn phim, thay đổi bối cảnh, rút ngắn thời gian quay, hạn chế đi quay ở các tỉnh… là những cách được các ê kíp áp dụng. Điển hình như bộ phim Thấy mai là thấy Tết được quay hoàn toàn trong phim trường tại TPHCM.

Nhận định về mùa phim tết 2022, đạo diễn Nhất Trung phân tích thêm: “Tôi thấy thị trường đang có những chuyển biến lớn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, rất nhiều người đã phải chi tiêu bằng tiền dự trữ trong 1 năm qua. Điều khiến chúng tôi lo lắng hơn là thói quen, hành vi của khán giả vì ở nhà quá nhiều và quá lâu sẽ khiến họ hạn chế ra đường. Đây là nỗi lo chung của tất cả các ngành bán hàng, không riêng thị trường phim ảnh”.

Tin cùng chuyên mục