Phổ biến hiện tượng: Dân sự hóa án hình sự

Phổ biến hiện tượng: Dân sự hóa án hình sự

Trước đây, các cơ quan thông tin đại chúng thường lên tiếng về tình trạng hình sự hóa án dân sự, nhưng thời gian gần đây, nhiều thư bạn đọc gởi đến báo lại phản ánh có những vụ lừa đảo, khả năng phạm tội hình sự rất rõ nhưng cơ quan chức năng lại chuyển qua xử lý dân sự. Những người lương thiện, chất phác bị lừa đảo mất cả gia tài không biết kêu ai…

Mượn sổ đỏ, giả hợp đồng để chiếm đoạt tài sản

Bà Phạm Kim Thy, sinh năm 1978 ở ấp Hội Thạnh xã Trung An huyện Củ Chi TPHCM đi đâu cũng khoe khoang là người quen biết khá mạnh với ngân hàng. Do “binh” mạnh nên việc vay vốn ngân hàng dễ như trở bàn tay. Nhiều người dân Củ Chi vì cần tiền gấp đã cả tin đưa giấy tờ nhà đất để bà Thy làm thủ tục vay tiền giùm.

Ông P.V.R. ở ấp Trạm Bơm xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi đưa 2 sổ đỏ cho bà liên hệ ngân hàng vay 70 triệu đồng để giải quyết công việc gia đình. Vài ngày sau, bà Thy gặp ông R. cho biết vì hai sổ đỏ đều là đất nông nghiệp nên ngân hàng chê, không vay được tiền.

Bà Thy hỏi ông R. có giấy tờ nào khác không. Ông R. thiệt thà nói, còn giấy chứng nhận 260m2 đất thổ cư và giấy công nhận quyền sở hữu căn biệt thự. Chỉ chờ có thế, bà Thy vội vàng bảo ông R. đưa bộ giấy tờ căn biệt thự để bà đi vay tiền. Gần 10 ngày sau, bà Thy đưa cho ông R. 70 triệu đồng và nói sau 3 năm đáo hạn sẽ trả vốn và lãi cho ngân hàng một lần.

Giả mạo hợp đồng cho tặng nhà, dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ nhưng cảnh sát điều tra Công an Củ Chi cho các bên hòa giải. Ảnh: SONG PHA

Giả mạo hợp đồng cho tặng nhà, dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ nhưng cảnh sát điều tra Công an Củ Chi cho các bên hòa giải. Ảnh: SONG PHA

Tuy nhiên, sau khi lấy được giấy chủ quyền căn biệt thự, bà Thy không đưa vào ngân hàng để vay tiền như đã hứa với ông R. mà đã làm giả hợp đồng cho tặng nhà, mạo chữ ký vợ chồng ông R. để chuyển tên sang bà Thy.

Có một điều lạ là hợp đồng này lại được Phòng Tư pháp huyện Củ Chi chứng thực, nên đã giúp bà Thy hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu căn biệt thự và quyền sử dụng đất của vợ chồng ông R. qua tên bà Thy (số vào sổ cấp giấy chứng nhận H00531/12, cấp ngày 14-4-2006). Từ đây, bà Thy dùng giấy chủ quyền này đi thế chấp để rút tiền ngân hàng!

Tháng 8-2006, sau khi lừa vợ chồng ông R., bà Thy làm tiếp giấy sổ đỏ giả khá tinh vi để đi gạ gẫm vợ chồng bà P.T.K.C. (ở P1 Q11) thế chấp vay 1,13 tỷ đồng. Sự việc vỡ lở khi bà C. đến làm thủ tục đăng ký thế chấp ở Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi. Tại đây, chữ ký của Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Củ Chi, con dấu, số hồ sơ trong giấy chủ quyền nhà bị phát hiện là giả mạo.

Xác minh các giao dịch trước đây với bà Thy, bà C. phát hiện bà Thy đã lừa bà một cách liên hoàn. Tổng số tiền vợ chồng bà C. bị bà Thy lừa gạt gần 8 tỷ đồng. Theo đơn tố cáo của bà C. gởi các cơ quan chức năng, bà Thy bán trại bò sữa và xưởng sản xuất nước đá cho bà C. với giá 3 tỷ đồng nhưng cả hai trại bò sữa và xưởng nước đá này không phải tài sản của bà Thy!

Hình sự nhưng xử lý dân sự, vì sao?

Khi phát hiện sổ đỏ giả, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi đã báo cáo Công an huyện Củ Chi đến lập biên bản, thu giữ tang vật và mời các đối tượng có liên quan về trụ sở công an huyện thẩm vấn. Tuy nhiên, sau đó điều tra viên Công an huyện Củ Chi lại mời các bên lên động viên, hòa giải và đề nghị những nạn nhân trong vụ lừa đảo rút đơn tố cáo bà Thy (!?).

Theo luật sư Trần Minh San, Đoàn Luật sư TPHCM, bà Thy đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 khoản 4 Bộ luật Hình sự).

Đúng ra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Phạm Kim Thy, kê biên tài sản hoặc lập hồ sơ chuyển về Cơ quan điều tra Công an TPHCM để thụ lý theo thẩm quyền. Đằng này, một vụ án hình sự nhưng cơ quan điều tra lại mời các bên lên hòa giải như án dân sự là việc làm không bình thường.

Đây không phải là lần đầu vụ án hình sự được chuyển sang dân sự. Nhiều người dân ở tỉnh Bình Phước bất bình vì bà Nguyễn Thị Xuân và ông Phạm Văn Thành (chủ Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thành Lợi, địa chỉ ở tổ 2 ấp Thanh Hòa xã Thanh Lương huyện Bình Long tỉnh Bình Phước) lừa đảo chiếm đoạt tiền bán nông sản của bà con lên đến trên 7,237 tỷ đồng nhưng vẫn được xử lý theo hướng… dân sự (Báo SGGP ngày 12-12-2007).

Trước đó, ngày 20-4-2007, gần 2 năm truy tìm, một số người dân ở huyện Củ Chi đã giữ được ông Lê Văn Tính (thường trú ở thị trấn Eathinh huyện CưJut tỉnh Đắc Nông) tại một nhà hàng ở phường 15, quận 11 TPHCM giao cho công an địa phương. Trước đó, ông Tính đã thuê mặt bằng tại số 27 đường số 5 phường 7 Gò Vấp thành lập Công ty cổ phần Xây dựng, Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Thiên Lương để có tư cách pháp nhân huy động vốn.

Nhiều nông dân ở Củ Chi nhẹ dạ đã bị ông Tính lừa lấy sổ đỏ thế chấp cho Công ty cho thuê Tài chính Kaxim Việt Nam (quận 1) vay gần 4 tỷ đồng. Sau khi lấy tiền vay, ông Tính trốn mất. Tuy nhiên, Công an phường 15 quận 11 bảo rằng không thể giữ người vì đây là quan hệ dân sự (!?).

Tình trạng “dân sự hóa án hình sự” đã giúp những tay lừa đảo, sau khi chiếm đoạt tài sản của người khác vẫn ung dung sống sung túc trên nỗi đau của người dân lương thiện! 

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục