Chiều 14-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Người bị bạo lực được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của mình
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM), luật hiện hành chỉ mới tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính hoặc hình sự. Trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả, thì cần chú trọng những biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của đối tượng này chưa được chú trọng.
Cũng với phương châm “phòng hơn chống”, ĐB đề nghị bổ sung những người có hành vi bạo lực gia đình vào nhóm đối tượng được tư vấn về bạo lực gia đình.
Đáng lưu ý, ĐB kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật quy định quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình.
Đồng thời, ĐB kiến nghị cân nhắc tâm lý, nguyện vọng của người bị bạo lực gia đình khi muốn được cư trú tại nhà mình, không nhất thiết phải tạm lánh như quy định ở dự thảo luật.
Dẫn điều tra của Bộ LĐTB-XH năm 2020 cho thấy có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) nhận định, một trong những khó khăn trong việc áp dụng luật là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi bạo lực gia đình.
Mỗi gia đình, mỗi vùng miền có suy nghĩ, quan niệm khác nhau về bạo lực. Chính bản thân mỗi thành viên trong gia đình và người xung quanh cũng không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực gia đình và va chạm hàng ngày. Cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn để xác định ranh giới vi phạm hình sự hay vi phạm hành chính.
“Mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình nhưng điều mà xã hội đang mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước khi hôn nhân đổ vỡ”, ông Cảnh bình luận.
Theo hướng này, ĐB đề nghị mở rộng nội dung phòng ngừa bạo lực gia đình, nội dung chống bạo lực sẽ là một chương cuối trong luật và luật được điều chỉnh sẽ có tên là Luật Xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Làm rõ chủ thể, đối tượng của khái niệm “bạo lực gia đình”
Đây là quan điểm của ĐB Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang). ĐB đề nghị bổ sung khái niệm theo hướng “bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”.
Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng luật này, theo đó, bao gồm cả người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng…
Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và để các quy định trên có thể thực hiện trong thực tế, ĐB Chamaléa Thị Thủy cho rằng yếu tố then chốt là đảm bảo được nguồn tài chính và nhân lực. ĐB đề nghị ban soạn thảo đánh giá tác động kỹ hơn về các yếu tố này.