Trên 272.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài từ năm 1998 đến nay. Đó là con số mà Bộ Công an đưa ra tại Hội nghị toàn quốc bàn về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, diễn ra ở Cần Thơ ngày 22-4. Các ngành chức năng nhận định, trong xu thế hội nhập quốc tế việc phụ nữ nước ta kết hôn với người nước ngoài là tất yếu. Vấn đề là làm thế nào để không bị mất cân bằng giới tính, không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục và hình ảnh phụ nữ Việt Nam.
Đối mặt... thực tế
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: “Động cơ nào để một số phụ nữ nước ta lấy chồng nước ngoài? Trong đó, chủ yếu ở TPHCM và khu vực ĐBSCL. Chị em lấy chồng nước ngoài xuất phát từ yếu tố kinh tế hay tình yêu gia đình. Tại sao có ông chồng hơn vợ 10 - 19 tuổi, thậm chí hơn nữa mà chị em vẫn chấp nhận? Ngược lại, vì sao người nước ngoài thích lấy vợ Việt; đất nước họ và gia đình họ nói gì về phụ nữ nước ta? Chúng ta khuyến khích hay làm ngơ, hay tuyên truyền hạn chế. Đã có địa phương báo cáo tình trạng mất cân bằng giới tính diễn ra khá mạnh ở những nơi có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài khi nam rất khó lấy vợ?”.
“Kết hôn với người nước ngoài là không thể ngăn chặn, nhưng không thể để tràn lan. Vấn đề là các cấp, các ngành cần xử lý tốt hơn nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ; đồng thời phát triển mối quan hệ với các nước ngày càng tốt đẹp” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nói. |
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng: “Kết hôn với người nước ngoài giống như dòng di cư người Việt ra nước ngoài mà chúng ta phải chấp nhận. Ở thế giới cũng vậy, nước nào có nền kinh tế phát triển sẽ hút công dân những nước kém hơn đến định cư, lao động. Thực tế tại các vùng nông thôn, nhất là ĐBSCL, đời sống nhiều hộ còn khó khăn, phụ nữ thiếu việc làm, học vấn hạn chế, không có tay nghề… từ đó mong muốn lấy chồng ngoại hy vọng cuộc sống tốt hơn”.
Giải thích vì sao người nước ngoài thích lấy phụ nữ nước ta, ông Trần Trọng Toàn, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết: “Đầu tiên là yếu tố tương đồng về văn hóa, cộng với phụ nữ nước ta cần cù, chịu khó, biết chăm lo gia đình, sống tình cảm, gần gũi… Tại Hàn Quốc lâu nay bị mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, rất nhiều thanh niên - nhất là vùng nông thôn không lấy được vợ trong nước, nên phải ra nước ngoài tìm vợ. Trong đó, đa phần là những người thu nhập không cao”.
Tăng cường tuyên truyền, đề cao cảnh giác
Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học lao động - xã hội tại 7 tỉnh thành có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài, có tới 83,6% cô dâu Việt Nam hài lòng với hôn nhân. Rất nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã gửi tiền về giúp gia đình cải thiện cuộc sống; trong đó 36,3% hộ có mức sống giàu có hoặc khá giả; 54,7% hộ có mức sống trung bình. Cũng vì lý do kinh tế nên không ít trường hợp phụ nữ bị lợi dụng, lừa gạt bán làm mại dâm…
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cảnh báo: “Thời gian qua lực lượng công an các tỉnh phát hiện rất nhiều vụ môi giới hôn nhân trái pháp luật. Gần đây nổi lên phụ nữ ra nước ngoài đẻ thuê, mới nhất là xuất hiện một số người gốc Phi sang Việt Nam làm ăn và sống chung với phụ nữ nước ta như vợ chồng; có trường hợp lợi dụng phụ nữ để hoạt động buôn bán ma túy rất phức tạp”.
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến lo ngại, hầu hết phụ nữ muốn kết hôn với người nước ngoài đều thiếu thông tin, ít hiểu về pháp luật nên rất dễ bị đối tượng xấu dụ dỗ. Do đó vấn đề tuyên truyền là rất quan trọng và phải làm thường xuyên để chị em cảnh giác.
Theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 18 trung tâm hỗ trợ kết hôn ở các tỉnh được thành lập đã giải quyết tốt những trở ngại về kết hôn với người nước ngoài. Hơn 6.500 trường hợp được tư vấn giúp chị em chuẩn bị tâm lý, kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn, trước khi lấy chồng nước ngoài. Đã có nhiều trường hợp rút lại hồ sơ, không lấy chồng sau khi nghe tư vấn.
Để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ được tốt hơn, ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đề nghị việc tuyên truyền tới đây phải mạnh hơn để người dân hiểu, chọn lựa kỹ và thay đổi nhận thức. Báo chí lâu nay nói nhiều những tiêu cực mà chưa chú trọng mặt tích cực của vấn đề này.
HUỲNH PHƯỚC LỢI