Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chưa thể khiến phụ huynh và học sinh an tâm

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số các môn học còn lại là Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, nhiều học sinh và phụ huynh đã thở phào nhẹ nhõm.

Học sinh mừng vì giảm áp lực

Nguyễn Minh Tuấn, học sinh lớp 11, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) cho biết, số lượng môn thi tốt nghiệp giảm đồng nghĩa với việc học sinh giảm bớt áp lực thi cử, nhờ đó có thêm thời gian đầu tư lựa chọn các môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Cùng quan điểm, Đặng Thu Thảo, học sinh lớp 10, Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) bày tỏ, tuy khá bất ngờ về việc môn Ngoại ngữ chính thức bị loại khỏi danh sách các môn thi bắt buộc nhưng việc này không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch học tập của em.

Học sinh này lý giải, môn tiếng Anh vẫn giữ vai trò quan trọng trong các tổ hợp xét tuyển đại học nên sẽ vẫn được nhiều thí sinh chọn lựa thi tốt nghiệp THPT trong số các môn lựa chọn bởi đây vốn là thế mạnh của học sinh TPHCM.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại băn khoăn bởi trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, các trường phổ thông từ tiểu học đến THCS, THPT đều tăng cường dạy học tiếng Anh thì việc đưa môn Ngoại ngữ vào nhóm môn lựa chọn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến học sinh giảm đầu tư vào môn học.

Chị Ngọc Thủy, giáo viên tiếng Anh một hệ thống trường tư thục tại quận Gò Vấp, đồng thời là phụ huynh có con năm nay học lớp 8 nhận định, nhiều năm qua, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TPHCM duy trì 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

“Việc Bộ GD-ĐT đưa môn Ngoại ngữ vào nhóm các môn lựa chọn liệu có làm thay đổi phương án tuyển sinh lớp 10 của các địa phương hay không?”, chị Ngọc Thủy lo lắng.

Cần ổn định phương án thi

Ở góc độ giáo viên, ThS. Đặng Thanh Huân, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cho biết, xét về tổng thể, quyết định của Bộ về phương án thi tốt nghiệp THPT gồm 4 môn (thời gian tổ chức thi trong 2 ngày) là hợp lý và tiết kiệm.

Học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM

Học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM

“Môn tiếng Anh không còn là môn bắt buộc giúp giảm áp lực cho học sinh, nhất là học sinh ở những nơi còn khó khăn trong việc dạy và học tiếng Anh, đồng thời giảm áp lực cho giáo viên dạy tiếng Anh đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, việc tiếng Anh không còn là môn bắt buộc là một thiệt thòi lớn cho học sinh, có phần đi ngược xu thế hội nhập và phát triển của thế giới”, giáo viên này cho biết.

Hiện nay, đa phần học sinh đều có tâm lý “có thi thì mới học, không thi không cần học”. Đó là một hệ luỵ vô cùng nguy hiểm cho thế hệ tương lai của đất nước.

Việc môn Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc sẽ ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông, nhiều học sinh không còn tập trung nhiều vào môn học này.

“Thời điểm hiện tại, tiếng Anh là một trong các môn xuất hiện nhiều nhất trong các tổ hợp xét tuyển đại học nên học sinh vẫn học tiếng Anh một cách nghiêm túc để xét tuyển đại học. Song, với phương án thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025, liệu các tổ hợp xét tuyển đại học có thay đổi trong thời gian tới?”, giáo viên này bày tỏ.

Theo phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1, việc Bộ GD-ĐT công bố sớm phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là một tín hiệu tốt giúp các trường có thêm thời gian chuẩn bị lộ trình dạy học trong các năm học tới.

Tuy nhiên, sau nhiều lần Bộ GD-ĐT lấy ý kiến cho các dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT, người này lo ngại tính ổn định của phương án thi tốt nghiệp.

“Tôi mong phương án thi không tiếp tục điều chỉnh để các trường yên tâm tổ chức dạy học, tránh tình trạng “lựa chọn rồi bắt buộc” như đã từng đối với môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông”, vị này cho biết.

Tin cùng chuyên mục