Quản lý sử dụng kháng sinh: Kiểm soát từ bệnh viện đến nhà thuốc

Trước sự cảnh báo về tốc độ lan rộng cao của nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngành y tế TPHCM đã có những cách làm hay, bước đầu đạt được hiệu quả nhất định trong việc quản lý sử dụng kháng sinh trong các bệnh viện.
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám và tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám và tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân
Giảm chi phí thuốc cho người bệnh

Nhận thấy những nguy cơ ảnh hưởng lớn từ việc kháng thuốc, bắt đầu từ năm 2013, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định đã thiết lập và triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong toàn BV. Theo đó, BV thực hiện phân tầng, lấy mẫu bệnh phẩm, chỉ định kháng sinh theo phác đồ điều trị để quản lý việc sử dụng kháng sinh một cách chặt chẽ. Để đảm bảo chương trình mang lại hiệu quả, BV thường xuyên tập huấn kiểm tra về sử dụng kháng sinh, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng. Đồng thời đào tạo liên tục, tập huấn cho bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng mới tham gia công tác dưới 5 năm về nguyên tắc sử dụng phác đồ điều trị, dược lâm sàng, quy trình thao tác chuẩn trong lấy mẫu, vận chuyển mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn, nâng cao kiến thức và tay nghề cho nhân viên. 

Sau 4 năm thực hiện, chương trình quản lý kháng sinh tại BV Nhân dân Gia Định bước đầu thay đổi thói quen sử dụng thuốc của các bác sĩ, tăng cường tuân thủ phác đồ điều trị. Cụ thể hơn, tỷ lệ sử dụng kháng sinh hợp lý tại các khoa lâm sàng tăng cao, sử dụng nhiều kháng sinh đơn trị, chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống, giảm tiêu thụ kháng sinh qua việc giảm ngày điều trị kháng sinh trung bình từ 11 ngày xuống còn 8 ngày và giảm được 2.874 liều xác định hàng ngày của các kháng sinh. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh của các khoa trong năm đều tăng so với trước; tiêu biểu là Khoa Ngoại thần kinh tăng mạnh, từ chỉ 11% trong năm 2015 lên 65% trong năm 2016. Đặc biệt, việc quản lý sử dụng kháng sinh đã giảm chi phí tiêu thụ kháng sinh trong tiền thuốc trung bình cho mỗi bệnh nhân từ 21,5% xuống còn 17,8%.

Cùng với BV Nhân dân Gia Định, nhiều BV khác trên địa bàn TPHCM cũng đã thiết lập các mô hình quản lý kháng sinh tương tự, mang lại hiệu quả bước đầu. Đáng kể như: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giám sát kê đơn ở BV Nhi đồng 1; ứng dụng CNTT để “cưỡng ép” việc chỉ định kháng sinh phù hợp chẩn đoán bệnh theo phác đồ điều trị của BV Quận Thủ Đức; dược sĩ lâm sàng phản hồi tính hợp lý trong chỉ định, phối hợp kháng sinh của bác sĩ trên từng hồ sơ bệnh án của BV Đại học Y Dược TPHCM. Bên cạnh đó, các BV Bệnh nhiệt đới, 115, Chợ Rẫy… đã quản lý hiệu quả sử dụng kháng sinh và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý sử dụng thuốc, chỉ định kháng sinh, giám sát kê đơn hợp lý.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, khẳng định: “Khi người bệnh được sử dụng kháng sinh đúng ngay từ đầu, đồng thời được đánh giá lâm sàng với chỉ định lên thang, xuống thang về việc sử dụng thuốc hợp lý sẽ giúp giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị và giảm cả tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn”. Song cũng theo bác sĩ Dũng, khó nhất vẫn là thay đổi việc kê đơn, chỉ định kháng sinh, bởi đây đã trở thành thói quen của các bác sĩ. Nếu chúng ta không kiểm soát, để việc chỉ định một cách vô tội vạ sẽ khiến cho tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng. Dầu vậy, cần có một khoảng thời gian thuyết phục từ từ,  kiểu “mưa dầm thấm đất”.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết căn cứ vào chương trình hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc do Bộ Y tế ban hành, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng chương trình phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, sở thành lập Ban chỉ đạo phòng chống kháng thuốc; tập huấn cho các BV về quản lý sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý; tiến hành khảo sát dữ liệu vi sinh và tình hình kháng thuốc tại các BV hàng năm; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các BV; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán thuốc kháng sinh tại cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn TP; thực hiện nghiêm việc xử phạt vi phạm bán thuốc không theo đơn; đồng thời tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến thông tin, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng về vấn đề kháng thuốc.

Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, ngoài các cơ sở y tế, hiện TPHCM cũng có hơn 6.000 nhà thuốc tư nhân đang hoạt động, đây là thách thức không nhỏ, bởi việc mua - bán kháng sinh một cách bừa bãi, không theo đơn vẫn còn phổ biến. Do đó, Sở Y tế sẽ huy động nguồn lực toàn ngành để tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các nhà thuốc về bán thuốc theo đơn; tiến tới việc bắt buộc khi bán thuốc phải nhập dữ liệu, ứng dụng CNTT để có dữ liệu giám sát sử dụng kháng sinh một cách chặt chẽ hơn.
Sở Y tế TPHCM đã ban hành “Khuyến cáo tăng cường triển khai hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý tại các BV”, với 14 hoạt động cụ thể cần được triển khai tại tất cả BV. Sở cũng đã hoàn thiện được kho dữ liệu phác đồ điều trị với 3.399 phác đồ cho tất cả các chuyên khoa,  trong đó có vấn đề quan trọng là chỉ định kháng sinh. Hiện tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ trạm y tế, phòng khám đa khoa, BV công lập, BV tư nhân đều đã có các phác đồ điều trị. Những khuyến cáo, phác đồ này được các chuyên gia về vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn BV, ban phác đồ điều trị của ngành y tế TPHCM xây dựng, là cơ sở vững chắc để các BV xây dựng chương trình quản lý sử dụng kháng sinh cho riêng mình. 
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục