Quảng Bình: Hơn 10 năm hứng chịu “bom đá” do nổ mìn khai thác đá

Hơn 10 năm qua, người dân thôn Rào Trù, bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phải hứng chịu “bom đá” do hoạt động nổ mìn khai thác đá. Nhà cửa bị xé toạc bởi đá rơi. Đường sá vừa sửa chữa nâng cấp lại bị xe quá tải cày nát. Suối nước dân sinh cũng bị ô nhiễm.
Nhà dân nứt toác tường vì "bom đá". Ảnh: MINH PHONG
Nhà dân nứt toác tường vì "bom đá". Ảnh: MINH PHONG

“Bom đá” oanh tạc nhà dân

Từ năm 2002, gia đình bà Phan Thị Đào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 2.200m² đất ở thôn Rào Trù (xã Trường Xuân) cho mục đích làm nhà và đào ao nuôi cá, trồng cây lâu năm.

Theo các hộ dân ở thôn Rào Trù, bà Đào và người dân sinh sống ở đây từ trước, nhưng đùng một cái, mỏ đá của Công ty TNHH Thế Thịnh được cấp phép cách nhà họ chỉ một con đường rộng 3,5m.

"Từ khi có mỏ đá, gia đình chúng tôi và hàng xóm không được ngày nào yên giấc. Bất cứ lúc nào mỏ đá nổ mìn thì "mưa đá" rơi xuống nhà, đá rơi vào giường ngủ, rơi vào sân, bắn xuống hồ cá, phá nát mái ngói, sập chuồng trâu, làm gãy cây cối trong vườn. Nặng nhất là ngày 19-6-2021, tôi đang ngủ, mỏ đá nổ mìn, đá rơi vào mái ngói vỡ 25 viên ngói”, bà Đào cho biết.

Quảng Bình: Hơn 10 năm hứng chịu “bom đá” do nổ mìn khai thác đá ảnh 1 Nhà bà Đào kế bên mỏ đá nên thường gặp nguy hiểm. Ảnh: MINH PHONG

Gia đình bà Đào và hàng xóm là bà Trần Thị Năm đã bị “bom đá” dội xuống nhà vô số lần trong hơn 10 năm qua. Bà Năm cho biết: “Nhà tôi trong khu vực mỏ đá, bị ảnh hưởng nghiêm trọng, “bom đá” dội xuống làm nứt tường nhà, mái ngói hư hỏng, con cái nơm nớp lo sợ nhưng chủ mỏ đá lại không đền bù, mà chỉ xin sửa lại. Chúng tôi đã có đơn gửi lên trên đề nghị đóng cửa mỏ đá nhưng Sở TN-MT có văn bản tạm dừng do Covid-19”.

Bà Đào lo lắng: “Trời vào mùa mưa, mái ngói không còn chỗ nào lành lặn. Dân chúng tôi kêu trời 10 năm nay mà không được giải quyết.”

Quảng Bình: Hơn 10 năm hứng chịu “bom đá” do nổ mìn khai thác đá ảnh 2 Hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH Thế Thịnh làm vỡ ngói, gãy rui mè (xà gồ) nhiều nơi trong nhà bà Đào. Ảnh: MINH PHONG

Theo tìm hiểu của PV SGGP Online, khu vực xã Trường Xuân trong vòng bán kính chưa đầy 10km, có tới 5 mỏ đá được cấp phép hoạt động gồm: 2 mỏ đá của Công ty TNHH Thục Linh và công ty VT&TM Hòa Phát ở bản Khe Ngang; 2 mỏ của Công ty TNHH Thế Thịnh ở thôn Rào Trù, mỏ còn lại nằm ở thôn Rào Đá thuộc Xí nghiệp Bình Lợi. Những mỏ đá này làm đảo lộn cuộc sống yên bình của người dân nơi đây.

Bức tử nguồn nước và cày nát đường dân sinh

Người dân xã Trường Xuân cho biết, ngoài những vụ việc trên, nguồn nước dân sinh đầu nguồn các khe suối cũng bị ảnh hưởng.

Bà Hồ Thị Hy bản Khe Dây cho biết: “Suối Khe Dây cung cấp nguồn nước uống, tắm giặt cho dân bản bao nhiêu năm nay. Từ khi mỏ đá Thế Thịnh và Thục Linh đi vào hoạt động khai thác đá, vào mùa hè, bụi đọng thành váng trên mặt suối. Đá dăm thải của 2 công ty này đổ xuống Suối Khe Dây khiến nguồn nước của bà con bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

Quảng Bình: Hơn 10 năm hứng chịu “bom đá” do nổ mìn khai thác đá ảnh 3 Hàng chục hộ dân bị mỏ đá uy hiếp, mong được di dời đến nơi an toàn. Ảnh: MINH PHONG

Theo ông Hồ Sửu (Trưởng bản Khe Ngang) và ông Hồ Tại (Trưởng bản Khe Dây), các mỏ đá đã góp phần làm ô nhiễm nguồn nước của đồng bào, dẫn đến người dân bức xúc vì không có nguồn nước nào thay thế cho sinh hoạt, sản xuất.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân xác nhận, xã đã tiếp nhận ý kiến của bà con và đã kiểm tra, có ý kiến với các chủ mỏ đá khắc phục ô nhiễm nguồn nước, không để đá dăm lấp suối nhưng các chủ mỏ đá vẫn chưa thực hiện.

Quảng Bình: Hơn 10 năm hứng chịu “bom đá” do nổ mìn khai thác đá ảnh 4 Mỏ đá làm ô nhiễm nguồn nước của đồng bào. Ảnh: MINH PHONG

Không chỉ thế, khi mưa xuống, xe chở đá từ 5 mỏ đá này chạy vào đường dân sinh của địa phương, khiến hệ thống đường nhựa, đường bê tông được Nhà nước đầu tư, tốn hàng chục tỷ đồng bị cày nát.

Bà Trần Thị Năm cho biết, ở cạnh mỏ đá Thế Thịnh, mùa mưa xe chạy nát đường, dân ra đường phải lội bùn. Hết mưa, bụi mù mịt, rất khó thở. Trong khi trước đó, đường vừa được Nhà nước trải nhựa và trải bê tông rất tốn kém. Đây là vùng thung lũng, cuộc sống của người dân rất bình yên, từ khi bị mỏ đá bao vây, cuộc sống của bà con không còn yên bình do tiếng nổ mìn khai thác đá, tiếng xe chở đá ầm ầm và đá bay vô nhà như cơm bữa.

Quảng Bình: Hơn 10 năm hứng chịu “bom đá” do nổ mìn khai thác đá ảnh 5 Đường bị xe chở đá cày nát. Ảnh: MINH PHONG

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Có 50 hộ dân bản Khe Ngang và Rào Trù bị ảnh hưởng trực tiếp vì nổ mìn, đá rơi vào nhà rất nguy hiểm. Hiện xã đã có tờ trình gửi lãnh đạo huyện bố trí đất tái định cư cho bà con di dời đến nơi ở mới nhưng do quy trình thủ tục đất đai làm lâu nên phải đợi. Trong thời gian này, địa phương yêu cầu chủ mỏ đá nổ mìn gây hư hại nhà dân phải thực hiện đền bù thỏa đáng, bảo vệ mội trường. Cụ thể là mỏ đá Thế Thịnh và Thục Linh, người dân phản đối mạnh. Nếu không thực hiện, xã sẽ có văn bản đề nghị đóng cửa mỏ đá để vừa bảo vệ tính mạng người dân, vừa bảo vệ môi trường sống”.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp do nổ mìn như trên thì xã Trường Xuân có 890 hộ dân với 2.960 khẩu đều bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất của cả 5 mỏ đá này từ ô nhiễm không khí, nguồn nước, đến tiếng ồn.

Tin cùng chuyên mục