Quảng Nam: Lý giải nguyên nhân giải ngân thấp so với mặt bằng chung cả nước

Chiều 7-12, kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào ngày làm việc thứ 2 ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong năm 2023, tính đến hết ngày 30-11, vốn đầu công năm 2023 của tỉnh Quảng Nam giải ngân 5.476 tỷ đồng, đạt 54,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh, thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước (59,5%). Do đó, nhiều câu hỏi chất vấn công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công một số dự án đạt tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân của vấn đề này, trách nhiệm của cơ quan liên quan, biện pháp xử lý và giải pháp nâng cao tỷ lệ giải ngân.

7-12-hdnd-quang-nam-giai-ngan-dau-tu-cong-2528.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, một số nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân chậm như quy mô vốn đầu tư công năm 2023, tăng khoảng 28,7% so với năm 2022 (10.026/7.788 tỷ đồng). Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn, hơn 1.964 triệu đồng.

Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế. Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn chậm, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Nguồn vốn bổ sung trong năm lớn (hơn 772 tỷ đồng).

HDND-Quang-Nam-Nguyen-Quang-Thu.jpg
Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam trả lời chất vấn của các đại biểu

Công tác tổ chức triển khai thực hiện dự án tại nhiều đơn vị, địa phương còn chậm, vai trò trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai còn quá chậm, chưa đảm bảo tính công khai nên người dân chưa đồng thuận, dẫn đến nhiều dự án không thể triển khai thi công.

“Giá nguyên vật liệu một số địa phương lập đơn giá chưa sát với thực tế dẫn đến khó khăn cho các đơn vị thi công và thi công cầm chừng ảnh hưởng giải ngân chung. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, dẫn đến các đơn vị dự thầu kiến nghị trong quá trình đấu thầu. Một số dự án phải thực hiện hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại làm làm chậm quá trình giải ngân chung của dự án”, ông Nguyễn Quang Thử chia sẻ.

Để xử lý tình trạng trên, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng căn cứ tình hình giải ngân vốn năm 2023, sẽ hạn chế tối đa hoặc không bố trí kế hoạch vốn năm 2024 đối với các dự án có nguồn vốn phân bổ lớn nhưng chậm giải ngân nhằm tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 trong trường hợp được phép kéo dài.

quang-nam-du-an-tram-ty-cham-tien-do-2-7097.jpg
Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chậm tiến độ

Đối với UBND cấp huyện không đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn trong năm của các dự án mà đề xuất kéo dài nguồn vốn này. Sau khi HĐND tỉnh thống nhất chủ trương nhưng UBND cấp huyện không giải ngân hết kế hoạch vốn kéo dài mà nộp trả ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh thì UBND cấp huyện có trách nhiệm phân bổ từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện cho các dự án đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã bố trí mà không giải ngân hết.

Cùng với đó, Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam đề nghị thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, giải ngân vốn ngay khi có khối lượng. Kịp thời xử lý các nhà thầu vi phạm về tiến độ thực hiện hợp đồng nếu do các nguyên nhân chủ quan, hoặc hoạt động cầm chừng nhằm kéo dài thời gian thi công để chờ đơn giá các nguyên vật liệu điều chỉnh giảm.

Tin cùng chuyên mục