Quê hương luôn ở trong tim

Trong những cuộc kết nối trực tuyến của chúng tôi với một số bạn du học sinh Việt Nam không về nước trong lúc này, có thể thấy, quê hương, Tổ quốc luôn ở trong tim họ. 
Nhóm du học sinh về từ Anh, chụp ảnh kỷ niệm tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế
Nhóm du học sinh về từ Anh, chụp ảnh kỷ niệm tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Đang ở chỗ nào, ở yên chỗ đó. Và lúc nào tôi cũng tự hào là người Việt Nam”, câu nói xen lẫn niềm xúc động và tự hào mà Lê Thiên Bảo (25 tuổi, du học sinh Việt Nam tại Mátxcơva, Nga) chia sẻ. 

Lựa chọn hợp lý

Trong những ngày dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn cầu, trở về quê hương ở cạnh người thân, gia đình là lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, một số bạn trẻ du học sinh vẫn quyết định ở lại nước ngoài và thực hiện tốt những khuyến cáo y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe. 

Đôi khi ở lại là một lựa chọn tốt cho bản thân và gia đình, Bảo chia sẻ: “Ba mẹ nào cũng sẽ lo lắng khi con mình xa nhà trong những ngày này, ba mẹ tôi cũng thế. Nhưng tôi chọn ở lại, đi ra ngoài chỗ đông người như sân bay, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu chẳng may xảy ra chuyện, tôi sẽ là gánh nặng và ảnh hưởng cho gia đình, xã hội”.

“Hiện tại, nơi tôi đang ở vẫn an toàn và nhịp sống vẫn diễn ra bình thường. Mọi người đều ý thức đeo khẩu trang và giữ sức khỏe cũng như bảo vệ bản thân trước dịch, nên mình quyết định ở lại. Tôi nghĩ, đất nước mình đã đón nhiều công dân từ những vùng dịch về, hỗ trợ cách ly y tế, điều trị. Nếu mọi thứ vẫn ổn, không nhất thiết phải về thì nên hạn chế về, giảm bớt được một phần gánh nặng cho đất nước”, Thảo Nguyên (26 tuổi, du học sinh Việt Nam tại TP Osaka, Nhật Bản) nói.


Có lúc một ngày, cả 3 cuộc gọi online về nhà là để cập nhật tình hình thường xuyên cho ba mẹ yên tâm. Lê Minh Hà (20 tuổi, du học sinh Việt Nam ở TP Chicago, bang Illinois, Mỹ) kể: “Em lo và nhớ gia đình, nhớ Hà Nội rất nhiều. Có cuộc gọi, nhiều khi cũng chỉ tầm 15 phút nói chuyện về bữa ăn tối do em nấu hoặc các bài báo ba mẹ mới đọc để thông tin cho em về dịch bệnh, chỉ nhiêu đó cũng đủ để em vững tâm hơn. Em liên lạc thường xuyên cũng giúp ba mẹ đỡ lo lắng”. Chia sẻ về lý do không về nước trong lúc này, Hà bày tỏ: “Quyết định về hay ở lại, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người và đất nước họ đang ở. Đối với gia đình em, điều quan trọng là em lựa chọn cách giữ an toàn nhất cho bản thân, vì lúc đó rất nhiều người bay về và việc lên máy bay rất dễ lây nhiễm. Ở lại Mỹ cũng có khó khăn riêng vì đa số các bạn sinh viên Mỹ đã trở về nhà sống với gia đình, còn lại chủ yếu là du học sinh. Nhiều lúc em cũng cảm thấy cô đơn nhưng gia đình em tin tưởng và luôn hỗ trợ để cùng em vượt qua khó khăn lúc này”.

Đã đặt mua vé nhưng quyết định hủy và ở lại, Trần Thị Tú Trinh (25 tuổi, du học sinh Việt Nam ở Seoul, Hàn Quốc) chia sẻ: “Lúc tình hình dịch ở đây bắt đầu phức tạp, tôi đã mua vé máy bay để về Việt Nam. Nhưng gần tới ngày về, thấy hầu như các bạn du học sinh đều đổ xô mua vé về. Trong tình hình đó, ra sân bay và quãng đường từ Hàn Quốc về Việt Nam có thể nguy cơ lây nhiễm cao hơn nên tôi quyết định ở lại, thực hiện nghiêm các hướng dẫn y tế và hạn chế tối đa việc đi lại. Gia đình rất lo lắng và cũng muốn tôi về nhưng khi nghe phân tích tình hình, cả nhà đồng ý để tôi ở lại. Ngày nào tôi cũng gọi về cho gia đình để mọi người an tâm và hiện tại trường tôi cũng có thông báo về lịch học sắp tới”, Trinh chia sẻ thêm.

Niềm tin ở quê hương

Giữa tháng 3, trường đại học và ký túc xá đóng cửa, việc học chỉ còn duy trì online, những sinh viên quốc tế như Lê Minh Hà được nhà trường cung cấp thông tin về visa, tư vấn dịch vụ chuyển nhà và kho đồ để mỗi sinh viên có thể yên tâm đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho hoàn cảnh của mình. Nhiều thầy cô cũng gửi email riêng để hỏi thăm và động viên.

Mỗi ngày, sau giờ học online, làm bài tập, liên lạc với gia đình, Minh Hà không quên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, bởi đó là niềm tự hào sâu sắc trong lòng cô gái trẻ này. Hà xúc động kể với chúng tôi: “Em rất tự hào khi thấy Việt Nam đồng lòng quyết tâm chống dịch. Em nghĩ có rất nhiều điều để học từ Việt Nam, khi chính phủ quyết tâm đặt tính mạng của con người lên trên hết. Một người bạn thân của em chia sẻ video vào ngày kết thúc cách ly y tế, mọi người đứng ngoài ban công, hát “Việt Nam, Hồ Chí Minh” và vỗ tay cho những người được về với gia đình. Dù xa Hà Nội nửa vòng trái đất, em tin rằng, Việt Nam mình sẽ vượt qua dịch bệnh, chúng ta sẽ ổn thôi”.

“Thương!”, là những gì Thiên Bảo lặp đi lặp lại khi chia sẻ với chúng tôi. Theo dõi tình hình dịch bệnh ở quê nhà qua thông tin trên báo chí, Bảo kể: “Thương các nỗ lực hết mình của Chính phủ để đảm bảo an toàn nhất có thể cho người dân. Thương lắm các y bác sĩ ngày đêm quên mình cứu chữa người nhiễm bệnh, một sự hy sinh to lớn không thể nói hết bằng lời. Ai cũng nhiệt tình xung phong về tuyến đầu mà không một lời than vãn. Có lẽ nguồn năng lượng hữu hiệu nhất để tiếp sức cho các chiến sĩ áo trắng lúc này là những ca bệnh nặng tiến triển tốt hơn, những kết quả xét nghiệm âm tính, những nụ cười tươi roi rói của các bệnh nhân được xuất viện. Một nguồn năng lượng tuyệt vời. Thương các anh bộ đội đã nhường nơi ăn chốn ở của mình vào rừng dựng lều, canh giữ biên giới không để nguồn dịch xâm nhập”.

Tin cùng chuyên mục