Quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương chưa hợp lý

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc rút khỏi dự thảo luật điều 8 quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Lý do là dự thảo quy định rất nhiều quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, nhưng với tổ chức, cá nhân kinh doanh lại chỉ quy định về trách nhiệm, chưa đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, tự nguyện.
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Ngày 4-4, tại Trụ sở làm việc các cơ quan của Quốc hội, đã diễn ra hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Hội thảo do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Tại hội thảo, một số đại biểu đề nghị cân nhắc rút khỏi dự thảo luật điều 8 quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Lý do là dự thảo quy định rất nhiều quyền của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, nhưng với tổ chức, cá nhân kinh doanh lại chỉ quy định về trách nhiệm là chưa phù hợp với nguyên tắc “Giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, tự nguyện” (nêu rõ tại khoản 5 điều 6).

Quy định tại điều 8 cũng chưa phù hợp với quan điểm xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là “Bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính”...

TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, cần quan tâm đến thiết chế Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các địa phương. Các hội này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhân lực trong việc bảo vệ người tiêu dùng hay hòa giải với các đơn vị bán hàng khi xảy ra kiện cáo, tranh chấp trong mua bán, phân phối hàng hóa.

Ông cũng lưu ý, hiện nay, người tiêu dùng không chỉ giao dịch trực tiếp mà còn mua bán hàng hóa, giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng và cũng đang đối mặt với những rủi ro như mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng, bị lợi dụng tên tuổi để gắn vào quảng cáo sản phẩm hàng hóa…

Do đó, cần có những quy định phù hợp với thời đại thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cần bổ sung rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí về sản phẩm để các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện cũng như tự bảo vệ mình. Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa.

Bà Hoa nhận định, hiện nay, người tiêu dùng tham gia trao đổi, mua bán hàng hóa trên mạng xã hội rất nhiều nên để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn thì trong dự thảo luật cần có điều khoản về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

Tin cùng chuyên mục