Quy hoạch phát triển Thủ đô hiện đại, hài hòa, đậm bản sắc văn hóa

Ngày 27-9, TP Hà Nội đã thông tin tới báo chí về Hội thảo khoa học Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức vào sáng 29-9 tới đây, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Diễn đàn của các chuyên gia hàng đầu

Theo đó, hội thảo nhằm tiếp thu trí tuệ, sự sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, giảng viên các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng vào xây dựng định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TP Hà Nội đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5- 2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”.

Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Hội thảo sẽ tập trung góp ý các kết quả nghiên cứu bước đầu đối với Quy hoạch Thủ đô của Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô; đề xuất các ý tưởng quy hoạch, phát triển Thủ đô, góp phần cụ thể hoá các nội dung gợi ý của Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua tháng 4-2023. Nội dung hội thảo tập trung vào các vấn đề chính sau:

Thứ nhất, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tập trung làm rõ các điểm đặc thù của Thủ đô, đặc biệt là lịch sử hình thành và phát triển, các đặc thù về văn hoá, các đặc điểm địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội được quy hoạch phát triển sẽ ngày càng hiện đại trong tương lai

Thủ đô Hà Nội được quy hoạch phát triển sẽ ngày càng hiện đại trong tương lai

Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường; góp phần đánh giá các kết quả đã đạt được và xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua.

Thứ ba, gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung các quan điểm phát triển Thủ đô, mục tiêu phát triển Thủ đô và các khâu đột phá.

“Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Tại hội thảo tới đây, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các giải pháp thực hiện Quy hoạch theo một số nội dung quan trọng định hướng phát triển Thủ đô đã được các chuyên gia nghiên cứu, gợi ý.

Trong đó, về quan điểm phát triển hàng đầu là xây dựng Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Thủ đô của đất nước trên 100 triệu dân, đến năm 2030 cơ bản thành nước công nghiệp, thu nhập trung bình cao; Thủ đô thanh bình và thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu; Là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế. Phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; an ninh, an toàn. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Hạ tầng giao thông của TP Hà Nội ngày càng đồng bộ và phát triển

Hạ tầng giao thông của TP Hà Nội ngày càng đồng bộ và phát triển

Cùng với đó, tiếp tục phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của trong nước và nguồn lực quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô sánh ngang với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sông Hồng sẽ là một trong những trục phát triển quan trọng của Thủ đô Hà Nội

Sông Hồng sẽ là một trong những trục phát triển quan trọng của Thủ đô Hà Nội

Quá trình phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tuần hoàn, là vùng động lực phát triển, 1 trong 2 cực tăng trưởng của vùng và cả nước, có sức lan toả mạnh để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân, vì cuộc sống phồn vinh hạnh phúc của Người dân. Xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; tư duy đổi mới sáng tạo và sẻ chia.

Gìn giữ những nét đẹp văn hóa và hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, nghĩa tình

Gìn giữ những nét đẹp văn hóa và hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, nghĩa tình

Về quan điểm về tổ chức không gian phát triển Hà Nội sẽ là hài hoà, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô di sản nghìn năm văn hiến. Đồng thời mở rộng không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa khu vực nông thôn mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, cần nghiên cứu tới việc xây 2 thành phố trực thuộc Thủ đô: Thành phố tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); 3 tuyến hành lang kinh tế và 5 trục phát triển quan trọng, như: trục sông Hồng (là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông); trục Hồ Tây – Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (là trục giao thông đối ngoại, hướng tâm, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại); trục Nhật Tân - Nội Bài (đô thị thông minh – đối ngoại); trục liên kết phía Nam (trục liên kết Vùng) và trục Hồ Tây – Cổ Loa (trục không gian văn hóa).

Tin cùng chuyên mục