Quỹ phục hồi kinh tế: Phép thử của EU

Theo kế hoạch, hôm nay 23-4 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) về việc thành lập Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Mặc dù EU đang tiến gần hơn đến sự đồng thuận về sử dụng ngân sách dài hạn chung, tuy nhiên khối này vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng do còn nhiều chi tiết gây tranh cãi.
EU sẽ họp Hội nghị thượng đỉnh bàn việc thành lập Quỹ phục hồi kinh tế
EU sẽ họp Hội nghị thượng đỉnh bàn việc thành lập Quỹ phục hồi kinh tế

Giới hạn nội dung để hạn chế khác biệt

Ý tưởng về quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 được nhiều quan chức hàng đầu EU đưa ra sau khi hồi đầu tháng, Viện nghiên cứu Ifo của Đức và Viện Kinh tế Thụy Sĩ (KOF) đưa ra đánh giá, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ rơi vào “suy thoái sâu” trong nửa đầu năm nay. Với ước tính dịch Covid-19 có thể “làm bốc hơi” 1/10 sản lượng kinh tế của khối, Ủy ban châu Âu (EC) đang cố gắng thương thảo một chương trình phục hồi trị giá 1.500 tỷ EUR.

Trong thư mời gửi các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, Quỹ phục hồi kinh tế nên được hình thành càng sớm càng tốt dựa trên ngân sách dài hạn tiếp theo của khối cho giai đoạn 2021-2027. Tuy nhiên, để tránh tình huống sẽ có nhiều khác biệt giữa các quốc gia thành viên EU dẫn đến sự lúng túng trong việc đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng EU chỉ nên bàn về việc đưa ra một quỹ cứu trợ dài hạn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra về việc quỹ cứu trợ này sẽ trị giá bao nhiêu cũng như cách lấy nguồn tiền ra sao vẫn đang gây ra bất đồng lớn.

Phập phù số phận “trái phiếu Corona”

Kế hoạch về gói cứu trợ sẽ phải được cả 27 quốc gia thành viên chấp thuận để có thể có hiệu lực từ năm tới. Đây được cho là thách thức to lớn với EU tại thời điểm đại dịch đang là phép thử cho tính thống nhất của khối trong bối cảnh ngân sách 7 năm tới của EU vốn đã là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên.

Trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa hiệp, nhiều con số đã được bàn thảo xung quanh quỹ tài chính dài hạn này. Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Mario Centeno gợi ý quỹ sẽ nằm trong khoảng từ 700 - 1.500 tỷ EUR còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thì đưa ra con số 1.000 tỷ EUR. Để đạt được thỏa thuận, các bộ trưởng đã thảo luận về việc tạo ra một công cụ nợ chung - gọi là “trái phiếu Corona”. Pháp, Italy, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác đề xuất các nước EU có thể cùng nhau xây dựng một quỹ chung để giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch thông qua việc phát hành “trái phiếu Corona” nhưng Đức, Hà Lan và một số nước khác phản đối. Các quốc gia miền Bắc với chính sách thuế bảo thủ muốn kiểm soát chặt chẽ chi tiêu đã liên tục từ chối những lời kêu gọi về kế hoạch gộp nợ (thông qua trái phiếu Corona) theo đề xuất của các quốc gia có nền kinh tế yếu hơn ở miền Nam để tài trợ cho chương trình tái thiết.

Kèm theo thư mời, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã công bố một “Bản lộ trình phục hồi” dài 5 trang. Mặc dù vậy, theo giới quan sát, lộ trình này không đưa ra kết luận cụ thể nào ngoài cam kết đưa ra “một kế hoạch hành động chi tiết hơn” với các biện pháp cụ thể và thời điểm thực hiện. Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã tìm cách miêu tả sự thỏa hiệp này để thể hiện sự đoàn kết thực sự giữa các quốc gia thành viên EU trong việc giải quyết Covid-19 và suy thoái kinh tế đi kèm. Nhưng các khía cạnh của kế hoạch vẫn cần sự chứng thực chính thức của các nguyên thủ và chính phủ của EU.

Tin cùng chuyên mục