Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa giải đáp một số băn khoăn của cử tri về các vấn đề nóng của giáo dục.
Liên quan đến vấn đề học thêm, dạy thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17 quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động dạy thêm diễn ra phức tạp, đa dạng, trong đó tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Phần lớn đội ngũ giáo viên thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm nhưng cũng còn nhiều nơi giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm với những “biến tướng”, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh.
Về mặt quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT xác định đây là trách nhiệm của mình và bộ sẽ tiếp tục ra soát lại Thông tư 17 với những quy định rất cụ thể, trong đó xác định trường hợp nào được dạy thêm, học thêm và có chế tài xử lý nghiêm hoạt động dạy thêm, học thêm “biến tướng”.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo giảm tải chương trình giáo dục hiện hành; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo sở GD-ĐT các địa phương quyết liệt chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
Ngành GD-ĐT xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục và mong muốn gia đình - nhà trường - xã hội tích cực phối hợp trong việc giáo dục con em, học sinh.
Về tình trạng lạm thu trong trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chi phí dành cho giáo dục là rất lớn so với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhưng so với yêu cầu thực tế của địa phương thì còn rất khó khăn.
Hiện nay, khoảng 80% chi phí cho giáo dục dùng để trả lương cho giáo viên, còn 20% chi cho hoạt động thường xuyên (có nơi chưa đến 15%). Do khó khăn về tài chính, trong khi các trường đều muốn có điều kiện tốt hơn cho học sinh nên đã xảy ra tình trạng “vận dụng” thu tiền của học sinh trái quy định.
Trước khi bước vào năm học mới, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu UBND các tỉnh thành chỉ đạo các sở, ban ngành và các cơ sở giáo dục đào tạo do địa phương quản lý thực hiện thu học phí theo đúng quy định, không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học, đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Trước phản ánh của dư luận về tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục đầu năm học 2017 - 2018, Bộ GD-ĐT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An), đến trực tiếp các cơ sở giáo dục báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu và yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu đầu năm học cần sự quyết liệt không chỉ từ phía Bộ GD-ĐT mà còn phải từ các địa phương, các cơ sở giáo dục và từ từng phụ huynh, giáo viên. Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị với Chính phủ yêu cầu chính quyền các địa phương bố trí đủ kinh phí cho các đơn vị trường học.
Về công nhận bằng cấp đối với các trường nước ngoài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay đây là vấn đề công nhận bằng cấp và thống nhất bằng cấp là vấn đề lớn của các trường đại học, của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, có một thời gian chúng ta có chính sách cho các trường đại học có điều kiện mở rộng liên kết với các trường đại học nước ngoài để thực hiện đào tạo.
Hiện nay, trong số các trường nước ngoài có liên kết đào tạo với các trường đại học Việt Nam, có trường được kiểm định và có trường chưa được kiểm định.
Đối với các trường chưa được kiểm định, văn bằng của người học sau khi tốt nghiệp sẽ không được công nhận. Bộ GD-ĐT thực hiện việc xác nhận bằng cấp trên cơ sở nhu cầu của người học và yêu cầu của các cơ quan, tổ chức.