Quyết tâm ngăn chặn lây lan, giảm tối đa tử vong do Covid-19

Ngày 1-8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị Covid-19. Tham dự hội nghị có các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế và các bệnh viện trực thuộc sở y tế tại hơn 700 điểm cầu ở 63 tỉnh thành cả nước...
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy được tăng cường hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: THÀNH SƠN
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy được tăng cường hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: THÀNH SƠN

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng

Chủ trì hội nghị, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nêu rõ, ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân thứ 416) trong đợt 2, Bộ Y tế đã đánh giá dịch Covid-19 lần này phức tạp hơn, cần ứng phó nhanh hơn, khẩn trương hơn, với tâm dịch tại 3 bệnh viện của Đà Nẵng. Khi xác định một số trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế đã phân tích dịch tễ và các yếu tố liên quan nhưng chưa tìm được mối liên quan giữa các ca tại cộng đồng và các ca mắc trong bệnh viện tại Đà Nẵng. 

Với quyết tâm ngăn chặn bằng được, giảm tối đa số ca tử vong do mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã hành động quyết liệt, thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt tại Đà Nẵng với sự chỉ đạo trực tiếp của PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đồng thời cử các chuyên gia tinh nhuệ nhất đến cắm chốt tại Đà Nẵng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch. GS-TS Nguyễn Thanh Long nhận định, Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng rất phức tạp. Thống kê từ đầu tháng 7-2020 tới nay, có hơn 800.000 người từng đến Đà Nẵng và trở về các địa phương, có hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi cho tất cả các trường hợp nêu trên; đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện Covid-19 trong trường hợp cần thiết.

Đối với các địa phương có liên quan đến dịch Covid-19 tại Đà Nẵng như: Quảng Nam, Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả những người đi đến và trở về từ Đà Nẵng, đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm Covid-19 theo các quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở thực hiện: đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không được để sót đối tượng có liên quan đến Covid-19 tại Đà Nẵng. “Toàn ngành y tế quyết tâm cao độ, bằng tri thức, kinh nghiệm của mình để ngăn chặn Covid-19 lần này” - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

3 ca tử vong là bất khả kháng

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, đã thông tin về trường hợp tử vong thứ 3 (bệnh nhân thứ 499, nữ, 68 tuổi). Bệnh nhân mắc bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị, đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp; được điều trị ung thư máu (leucemia) tại Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; ra viện ngày 23-7. Sau đó bệnh nhân có ho, sốt nên tái khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Do có dịch tễ nghi ngờ nên bệnh viện đã chuyển ngay bệnh nhân đến khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm với kết quả dương tính. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có biến chứng suy tủy, suy hô hấp và suy tuần hoàn. Đến 19 giờ ngày 31-7, bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn và được bác sĩ đặt nội khí quản, thở máy, vận mạch liều cao. Tuy nhiên tới gần 5 giờ sáng 1-8, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp và được xác định tử vong vì suy hô hấp.

Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc, thành viên Tiểu ban Điều trị, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân thứ 499 là ung thư máu, không đáp ứng hóa chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và Covid-19. “Chúng tôi khẳng định, với bệnh nhân này, Covid-19 chỉ là giọt nước tràn ly, bệnh chính là ung thư dạng máu giai đoạn cuối kèm viêm phổi. Thực tế, cả 3 trường hợp mắc Covid-19 tử vong đến nay đều là bất khả kháng” - GS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh và cho biết, công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước. Bởi lẽ, rất nhiều bệnh nhân nặng do tuổi cao, bệnh mãn tính kèm theo, như suy tim, đái tháo đường, suy thận, chạy thận chu kỳ và ung thư.

Chiều 1-8, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 40 ca bệnh mới. Ngoài 2 người nhập cảnh được cách ly ngay tại Trà Vinh, 38 ca mắc còn lại đều có liên quan tới các ổ dịch tại Đà Nẵng.

Trong đó, Đà Nẵng có 30 ca, Quảng Nam 5 ca, TPHCM 2 ca và Thái Bình ghi nhận ca mắc đầu tiên (ca thứ 566, có tiếp xúc với ca 522 - là bệnh nhân khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng).

Tính từ ngày 25-7 tới chiều cùng ngày, số lượng ca mắc mới liên quan tới Bệnh viện Đà Nẵng là 142 người. Cả nước hiện có 373/586 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, nhưng cũng đã có 3 trường hợp mắc Covid-19 tử vong.

Tin cùng chuyên mục