Rối loạn tăng động giảm chú ý - Điều trị trước khi trẻ đến trường

Nhiều phụ huynh cảm thấy vui mừng khi con mình hiếu động “luôn tay luôn chân”, cho đó là dấu hiệu của sự lanh lợi. 
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang khám và tư vấn cho trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang khám và tư vấn cho trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý
Thế nhưng, các bác sĩ khuyến cáo có thể trẻ đang mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Nguy hiểm hơn, trẻ mắc bệnh này sẽ dễ gây ra các hành vi phạm tội trong tương lai. 

Dễ nhầm với hiếu động

Trong khuôn viên Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, những ngày qua thường xuyên xuất hiện một bé trai 7 tuổi chạy nhảy hàng giờ không ngừng như gắn động cơ. Theo sát phía sau là một cụ bà hơn 70 tuổi. Trước đây, bà Nguyễn Thị Vinh (quận 1), người trực tiếp nuôi dưỡng bé, luôn cho rằng việc chạy nhảy thường xuyên là do sức khỏe của bé tốt, không hề nghĩ đến việc bé mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. “Thấy cháu nó hoạt động chân tay liên tục thì mình nghĩ là cháu nó hoạt bát, khỏe mạnh, chỉ lo về việc cháu chạy nhảy bị té hoặc chạy ra đường bị bắt cóc thôi”, bà Vinh chia sẻ. 

Cách đó không xa, bé Bo, 8 tuổi - con trai của chị Trần Thị Bích Ngọc (quận Thủ Đức), cũng chạy nhảy, đùa nghịch liên tục. Chị Bích Ngọc cho biết, trước đây chị từng vui mừng khi thấy con trai mình lanh lợi. “Thỉnh thoảng bé có táy máy chân tay trêu người này, khều người kia, nhưng mình chỉ nghĩ là do bé hiếu động, nghịch ngợm”, chị kể. Tuy nhiên, càng ngày bé Bo càng có những biểu hiện quá khích như nổi giận vô cớ, hay đánh bạn, thỉnh thoảng lên cơn co giật. Đưa con đến BV Nhi đồng 2 thăm khám, chị mới biết bé Bo mắc chứng tăng động giảm chú ý kèm động kinh. 

Đó là 2 trong hơn 100 trường hợp trẻ mắc các rối loạn tăng động giảm chú ý đang được điều trị tại Khoa Nội thần kinh BV Nhi đồng 2.
Theo TS-BS Lê Thị Khánh Vân, Phó trưởng khoa Nội thần kinh, đây là một bệnh lý tâm thần kinh gây ra rối loạn về giao tiếp, hành vi, cảm xúc. Tăng động giảm chú ý thường gặp nhiều ở bé trai hơn bé gái. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu đúng về căn bệnh này cũng như các tác hại của nó, dễ lầm tưởng với sự hiếu động nên không có biện pháp can thiệp kịp thời. “Trẻ mắc hội chứng này cần được can thiệp điều trị lúc 4 - 5 tuổi, trước khi trẻ đến trường, để không ảnh hưởng đến tương lai sau này”, bác sĩ Khánh Vân chia sẻ.

Nguy cơ gây ra hành vi phạm tội

Theo thống kê của BV Nhi đồng 2, số trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý hiện chiếm khoảng 20% trong tổng số trẻ mắc các bệnh liên quan đến tâm lý, thần kinh khám tại BV. Còn tại BV Nhi đồng 1, mỗi tháng cũng tiếp nhận khoảng 30 trẻ đến điều trị căn bệnh này.
Theo một số nghiên cứu riêng lẻ tại các địa phương, có khoảng 6% - 7% trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý trong tổng số trẻ em trên cả nước. “Nếu so sánh với 10 năm trước thì số lượng trẻ mắc bệnh đang gia tăng. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự gia tăng này một phần là do sự hiểu biết, kiến thức khoa học của các bác sĩ ngày càng cao hơn, phụ huynh cũng nhận thức rõ hơn về bệnh nên đưa trẻ đi khám nhiều hơn trước”, bác sĩ Khánh Vân cho hay. 

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân gây ra rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ là do những tổn thương nguyên phát bẩm sinh về di truyền và cấu trúc. Bên cạnh đó, do tác động của môi trường, hoàn cảnh như: chấn động tâm lý, xung đột, căng thẳng quá mức trong gia đình, học tập… khiến trẻ bị tổn thương và gây ra rối loạn hành vi.
Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường trở thành những đứa trẻ cá biệt, ảnh hưởng đến thành tích học tập như không đạt điểm trung bình, phải ở lại lớp. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nguy hiểm hơn là trẻ tăng động có thể đi kèm với xung động, dễ dẫn đến hành vi tấn công, gây hấn với bạn bè, với những người xung quanh một cách vô cớ. Việc không hòa nhập được với môi trường sống khiến trẻ bị xa lánh, cô lập. “Một số trẻ có biểu hiện xung động, dễ nổi nóng, gây hấn với người xung quanh, những biểu hiện đó có thể bùng phát lên hành vi xung đột, chống đối căng thẳng và có thể gây ra những hậu quả khôn lường”, bác sĩ Khánh Vân cảnh báo.

Đồng tình với nhận định trên, bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi đồng 1, cũng cho rằng trẻ tăng động thường có xu hướng chống đối, có hành vi bạo lực với những gì trẻ không thích. “Người lớn thường la mắng trẻ tăng động, do vậy trẻ dễ có xu hướng tìm đến các bạn bè cá biệt như mình, theo các “băng đảng” và có hành vi xấu, thậm chí có thể có những hành vi phạm tội”, bác sĩ Triết phân tích.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi phụ huynh thấy trẻ có những biểu hiện mắc chứng rối loạn tăng động, nên đưa đến BV để được can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc, gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Bởi đây là một căn bệnh rối loạn mãn tính, cần thời gian điều trị lâu dài nên rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường. Phụ huynh tuyệt đối không nên phạt, la mắng, dùng bạo lực với trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động, mà cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn uốn nắn, giúp trẻ điều chỉnh hành vi.
“Trẻ tăng động giảm chú ý thường có những biểu hiện như: chạy lăng xăng suốt ngày, không tập trung, di chuyển sự chú ý liên tục, tay chân loáy hoáy liên tục, nói không ngừng, vận động như có gắn động cơ mà không biết mệt. Bên cạnh đó, trẻ cũng có biểu hiện như nôn nóng, không thể chờ đợi, không kiên nhẫn. Vì vậy, trẻ gần như khó tham gia vào các trò chơi, hoạt động nhóm và khó hòa nhập trong môi trường tập thể”. 
Bác sĩ LÊ KHÁNH VÂN

Tin cùng chuyên mục