
Sau thời gian dài im lặng trước các cơ quan công luận, sáng 5-7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã lên tiếng về những khuất tất liên quan đến dự án khu nghỉ mát cao cấp Rusalka rộng 45 ha do trùm lừa đảo Nguyễn Đức Chi là chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đó chỉ là một thông báo ngắn kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi. Những người có trách nhiệm ở tỉnh này đều từ chối trả lời các báo. Mặc dù, hậu quả từ những sai sót “nhỏ” của cơ quan chức năng tỉnh không nhỏ.
Chỉ có hai thiếu sót nhỏ
Theo nội dung kết luận của ông Võ Lâm Phi tại buổi làm việc về vụ Nguyễn Đức Chi của Thường trực UBND tỉnh với các sở, ngành chiều 4-7 do ông Võ Duy Nhất – Phó Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đọc cho các nhà báo trong cuộc giao ban báo chí hàng tháng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa sáng qua thì hầu hết các công việc Khánh Hòa làm liên quan đến dự án Rusalka đều đúng pháp luật.
Theo kết luận trên, trong việc cấp giấy phép đầu tư và cho thuê đất đối với dự án Rusalka do Công ty Rus-Invest-Tur (RIT) làm chủ đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu (cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT và Tổng cục Địa chính – nay là Bộ Tài nguyên - Môi trường) đầy đủ, đúng pháp luật.

Hồ Tuyền Lâm.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê cho RIT là đúng đối tượng theo quyết định thu hồi và cho thuê đất của Thủ tướng. Việc cấp GCNQSDĐ thuê của dự án theo quyết định thu hồi và cho thuê đất của Thủ tướng trong khi chưa thu hồi giấy chứng nhận lâm bạ (sổ trắng) là không trái Luật Đất đai 2001.
Theo kết luận của ông Phi, trong tình hình hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, chủ dự án có trách nhiệm bảo quản toàn bộ tài sản hồ sơ liên quan của dự án này theo quy định.
UBND tỉnh sẽ cùng các cơ quan liên quan tìm giải pháp phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai dự án. UBND thành phố Nha Trang có trách nhiệm giải thích cho các hộ dân liên quan.
Trong khi đó, những khuất tất liên quan đến Rusalka của Nguyễn Đức Chi cũng chỉ được nhắc đến một cách hạn chế và chỉ có hai thiếu sót nhỏ. Chẳng hạn, về hồ sơ thuê đất, ông Phi giải thích: phải làm trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đây là dự án được miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian dài (12 năm) nên Sở Tài nguyên và Môi trường chưa làm thủ tục hợp đồng cho thuê đất.
Đây là thiếu sót về thủ tục của Sở TN – MT tỉnh. Còn việc UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp GCNQSDĐ thuê sau khi chủ dự án hoàn thành việc trả tiền con đường (đoạn 900 m đường Phạm Văn Đồng qua Rusalka – PV), nhưng Sở TN-MT lại trình cấp GCNQSDĐ (khi RIT chưa trả tiền - PV), đây là thiếu sót của Sở TN-MT, cũng có phần thiếu sót của Thường trực UBND tỉnh.
Trước đó, Chi đã khai, để có được “sổ đỏ” Chi đã phải chi 700.000 USD để bôi trơn “bộ máy” của Khánh Hòa. Lời khai này đến đâu, cơ quan điều tra sẽ làm rõ, song không thể không đặt dấu hỏi vào việc ông Trần Minh Duân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ đã vội vã ký cấp “sổ đỏ” cho Chi.
Cho dù Chi chưa trả trên 10 tỷ đồng tiền tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng đoạn đường Phạm Văn Đồng, sau đó giao lại đoạn đường cho RIT cũng như chưa hoàn thành các điều kiện mà tỉnh yêu cầu trước khi cấp “sổ đỏ”. Chính nhờ có chiếc “sổ đỏ” này mà Chi đã không những đem thế chấp nhiều nơi mà còn dùng để làm tin nhằm lòe các đối tác, các nhà quản lý khác để tiếp tục liên doanh, lập dự án bán đất, lừa đảo.
“Sổ đỏ” đang ở đâu?
Hiện nay, nhiều cơ quan đang tìm cách chuyển nhượng hoặc thu hồi dự án Rusalka để thu hồi các khoản Chi đã lừa đảo, nợ lên tới trên 165 tỷ đồng. Song đáng ngạc nhiên là trong bộ hồ sơ tài liệu do Cơ quan điều tra thu giữ không có “sổ đỏ” của dự án Rusalka.
Vì vậy, cuộc làm việc giữa Cơ quan điều tra và Sở TN-MT cùng UBND tỉnh Khánh Hòa hôm 4-7 đã đề cập tới một chi tiết hết sức quan trọng: cuốn “sổ đỏ” đó hiện đang ở đâu? Nếu không có cuốn “sổ đỏ” này thì khu nghỉ mát nàng tiên cá Rusalka chỉ là cái vỏ trống rỗng, vô nghĩa.
Hiện nay cuốn “sổ đỏ” này không có trong hồ sơ thế chấp xin bảo lãnh, vay tiền của các ngân hàng. Nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết, không loại trừ khả năng, cuốn “sổ đỏ” đang lưu lạc tại một doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An là quê của “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi.
Như vậy, cho đến thời điểm này, đã có 2 hồ sơ hết sức quan trọng là giấy phép kinh doanh của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghiệp và du lịch Ninh Thuận và cuốn “sổ đỏ” của dự án Rusalka Nha Trang đã bị “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi “hô biến”. Chỉ một thiếu sót nhỏ của Rusalka đã gây ra bao hệ lụy, hậu quả tai hại khiến lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Khánh Hòa và Bộ KH-ĐT nhọc lòng đuổi hình bắt bóng!
QUỐC - QUÂN
“Siêu lừa” Nguyễn Đức Chi có dính líu đến dự án KDL cao cấp Vạn Xuân (Đà Lạt)?
Được biết, theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) hồ Tuyền Lâm và Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng, đây là một dự án được triển khai rất nhanh. Ngày 28-5-2004, BQLDA hồ Tuyền Lâm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào KDL này với sự tham dự của vài chục nhà đầu tư trong, ngoài nước. Lãnh đạo Công ty Công ty Rus–Invest–Tur (Công ty Rit) và Thăng Long không được mời nhưng vì nghe có hội nghị nên tự đến. Chỉ sau vài ngày, 2 công ty này đã có văn bản xin đầu tư vào Tuyền Lâm.
Trả lời PV báo SGGP về việc “hiện đã phát hiện ra điều gì nghi vấn quanh dự án đầu tư này?”, ông Nguyễn Hữu Chẳng Phó phòng Xây dựng cơ bản, Sở KH-ĐT Lâm Đồng lập luận rằng: “Theo luật pháp của ta hiện nay không buộc phải trình năng lực tài chính nên đối với các nhà đầu tư chưa từng kinh doanh thì đành chịu, hơn nữa ông Chi cũng đã rút ra khỏi dự án…”. Nhưng sự thực thì chính hồ sơ mà Công ty Vạn Xuân gửi các ngành chức năng đã ghi rõ: Ngày 20-1-2005, Công ty Rit của “siêu lừa” đã ra nghị quyết đại hội cổ đông (không biết có họp không?) về việc “Đồng ý góp vốn, tham gia vốn điều lệ để thành lập và cử đại diện thành lập Công ty cổ phần Vạn Xuân Đà Lạt để thực hiện dự án KDL Vạn Xuân”. Ngày 14-3-2005, Sở KH-ĐT Lâm Đồng đã cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty Vạn Xuân với số vốn điều lệ lên đến 95 tỷ đồng. Đến ngày 16-4-2005, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đô thị Thăng Long cũng làm một động thái tương tự là ra nghị quyết đại hội cổ đông về việc tham gia vốn điều lệ và cử đại diện tham gia thành lập Công ty cổ phần Vạn Xuân. Vì thế, dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ năng lực tài chính của Công ty Vạn Xuân. Đó là chưa kể đến tính khả thi của dự án KDL Vạn Xuân: Với 26 nhân sự là người nước ngoài và 474 người lao động Việt Nam, mỗi năm công ty này phải bỏ ra một khoản tiền gần 15 tỷ đồng Việt Nam thì dự án có khả thi? Thời gian thực hiện dự án chỉ trong vòng 24 tháng với một khối lượng công trình lớn – giá trị lên đến 12, 25 triệu USD, liệu thực hiện được không ở một địa hình rừng núi như hồ Tuyền Lâm?
Một cán bộ BQLDA hồ Tuyền Lâm cho biết, trước đây Nguyễn Đức Chi có nói rằng vì anh ta là nhà đầu tư nước ngoài nên không thể tham gia dự án từ đầu mà đợi khi dự án được duyệt sẽ tham gia góp vốn đầu tư 30% theo quy định của luật hiện hành! Sự thật thì đây có thể là đòn gió của Chi để lấy lòng tin của giới chức Lâm Đồng và đồng thời lúc này các hành tung của Chi đã bị phát giác. Văn Phong |
Tin, bài liên quan:
Có thể thu hồi đất dự án Rusalka
Có hay không sự tiếp sức của một ngân hàng và hai doanh nghiệp ?
Nguyễn Đức Chi đã được cấp phép hàng chục dự án
Hàng loạt nghi vấn trong cách hành xử của các cơ quan công quyền