Trước đó, trong dự thảo về cơ cấu biểu giá điện mới được công bố rộng rãi, Bộ Công thương đã đề xuất 2 phương án cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt để xin ý kiến của các bộ ngành, đơn vị liên quan.
Trong đó, tại phương án 1, Bộ Công thương đề xuất cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ tính theo bậc thang và từ 6 bậc thang hiện hành được chia lại thành 5 bậc.
Còn tại phương án 2, Bộ Công thương đề xuất áp dụng song hành cả cách tính điện bậc thang (5 bậc) và một giá điện chung theo hai kịch bản.
Kịch bản một (2A) là biểu giá luỹ tiến 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân cho kWh 0-100 (bậc 1) và cao nhất bằng 274% giá bán lẻ điện bình quân nếu sử dụng từ 701 trở lên (bậc 5). Còn điện một giá tương ứng 145% giá bán lẻ điện bình quân, tức khoảng 2.703 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).
Hoặc kịch bản hai (2B) là giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân cho 0-100kWh (bậc 1) và cao nhất bằng 185% giá bán lẻ điện bình quân từ 701kWh trở lên (bậc 2). Còn điện một giá được tính bằng 155% giá bán lẻ điện bình quân, tức khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Tại phương án 2, khách hàng được quyền chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, phương án một giá điện có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục được một số nhược điểm của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200kWh/tháng (với số lượng trên 18,7 triệu khách hàng - chiếm xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay) sẽ phải trả thêm tiền điện từ 19.000 - 39.000 đồng/tháng. Đồng thời, số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội cũng phải tăng từ hơn 1.000 tỷ đồng/năm lên 1.240 tỷ đồng/năm do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành. Và nếu áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng thì sẽ không khuyến khích được mục tiêu tiết kiệm điện.
Trong thời gian qua, sau khi công bố dự thảo đề xuất cơ cấu biểu giá điện mới, Bộ Công thương nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà báo cũng như dư luận xã hội, người dân bày tỏ về tính bất cập, khó khả thi của phương án điện một giá kèm 5 bậc thang.
Vì vậy, Cục Điều tiết điện lực kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương loại bỏ phương án 2A và 2B vì không phù hợp với mong muốn của nhiều người dân và sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt về phương án 1 (cải tiến từ 6 bậc thang hiện hành còn 5 bậc thang).
Theo phương án 1 này, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt được chia 5 bậc (thay cho 6 bậc hiện hành).
Trong đó:
Bậc 1 cho 0 - 100kWh (gộp bậc 1 và 2 hiện hành) có giá thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân (tức 1.678 đồng).
Bậc 2 cho 101 - 200kWh có giá bằng 108% (tức 2.014 đồng)
Bậc 3 cho 201 - 400kWh (gộp bậc 3 và 4 cũ) có giá bằng 141% (2.629 đồng)
Bậc 4 cho 401 – 700kWh có giá bằng 160% (2.983 đồng)
Bậc 5 cho 701kWh trở lên có giá bằng 168% (3.132 đồng)