Sân khấu múa dành cho giới trẻ - Tìm lối đi mới

Tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật múa

12 năm qua, gần 100 chương trình “Nghệ thuật múa” do Hội Nghệ sĩ múa TPHCM phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM tổ chức đã tạo nên một sân khấu múa có ý nghĩa thiết thực dành cho giới trẻ. Hoạt động này ghi dấu ấn của nghệ thuật múa khu vực phía Nam, tạo điều kiện để các tác phẩm múa độc lập có được không gian bay bổng; các đề tài, tiết mục mới, ngôn ngữ múa mới được phát huy, đồng thời giúp khán giả trẻ thêm hiểu biết và yêu thích nghệ thuật múa.

Tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật múa

Tuy không thật hoành tráng, lộng lẫy, nhưng sân khấu “Nghệ thuật múa” tại Nhà Văn hóa Thanh niên dần trở thành điểm hẹn của những bạn trẻ yêu thích múa, muốn tìm hiểu và giao lưu với các diễn viên, nghệ sĩ. Sân chơi nghệ thuật đa sắc này còn giúp khán giả trẻ mở rộng kiến thức, cảm nhận được những giá trị của nghệ thuật múa, biết chọn lọc thưởng thức các tiết mục, tác phẩm múa chất lượng, có giá trị về nghệ thuật, đậm chất nhân văn, chuyển tải được nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ…

Nhà giáo Nhân dân Kim Dung cho biết: “Chương trình được thực hiện với nhiều nỗ lực của Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM và sự đóng góp tích cực của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp: Trường Múa TPHCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 cùng các vũ đoàn… Khán giả trẻ đến với chương trình được tiếp cận nhiều thể loại múa như: Múa dân gian dân tộc Việt Nam, ballet cổ điển, múa tính cách nước ngoài, múa đương đại, múa đường phố hiphop, dance sport… Đây cũng là nơi tập hợp các vũ đoàn, tạo sân chơi để diễn viên trẻ giao lưu học hỏi, báo cáo thành quả hoạt động, giới thiệu các vũ đoàn với công chúng, đồng thời quảng bá các tác phẩm nghệ thuật múa đa sắc, đậm tính hiện thực cuộc sống. Trong đó, có tiết mục tôn vinh cái đẹp, có tiết mục chuyển tải nội dung sâu sắc, có chủ đề gắn liền với các hoạt động thời sự, chính trị - xã hội…”.

Các chương trình đã luân phiên công diễn những thành quả đạt được từ các liên hoan nghệ thuật múa, trình diễn những tiết mục múa xuất sắc, giới thiệu những nghệ sĩ đoạt các giải thưởng… góp phần đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt, các khán giả trẻ rất hào hứng tham gia trong phần giao lưu, cùng thử làm biên đạo, làm diễn viên múa, để hiểu hơn về nghệ thuật múa hay, đẹp và cũng rất khó.

Còn nhiều gian nan

Trong khoảng thời gian 10 năm đầu, chương trình được tổ chức liên tục mỗi tháng một lần, thì hai năm trở lại đây, “Nghệ thuật múa” chỉ được tổ chức theo từng quý vì nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề kinh phí, ít tác phẩm mới, sự đầu tư về các tiết mục biểu diễn trong chương trình quá gấp rút và bị bó hẹp, khiến hiệu quả chương trình chưa phát huy tối đa hiệu quả về chuyên môn, cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trẻ.

NSND Kim Quy chia sẻ: “Việc tổ chức chương trình 3 tháng một lần đã giúp các tác phẩm múa theo từng chủ đề được nâng cao. Tuy nhiên, chương trình vẫn có thể được tổ chức tốt hơn nữa, nhưng do khó khăn về kinh phí nên hoạt động này bị thu hẹp. Về phía Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, chỉ có thể hỗ trợ số tiền bồi dưỡng ít ỏi khoảng vài trăm ngàn đồng cho một đêm diễn, còn lại là các vũ đoàn phải tự bỏ tiền túi ra để sáng tạo, đầu tư trang phục, luyện tập, trong khi đó các em vẫn phải tất bật chạy show kiếm sống, chính vì thế mà sự đầu tư tác phẩm cũng chưa nhiều. Hiện nay, sau 12 năm thực hiện chương trình “Nghệ thuật múa”, hội sẽ tạm dừng lại để có thời gian tư duy, tìm kiếm một phương pháp tổ chức mới, tại một địa điểm khác phù hợp, với sự đầu tư tốt hơn về nội dung, hình thức…”.

Mặt khác, vấn đề quảng bá, tuyên truyền cũng là điều kiện tiên quyết để chương trình đến được với đông đảo công chúng. Lê Việt, Trưởng vũ đoàn kiêm Giám đốc sáng tạo Công ty Biểu diễn nghệ thuật Phương Việt, tâm tư: “Sau nhiều năm tổ chức, chương trình đã tạo dựng được một lượng khán giả trẻ yêu thích nghệ thuật múa. Hơn thế nữa, đây là một chương trình nghệ thuật rất hay, là sân chơi dành cho múa hiếm hoi và duy nhất tại TPHCM. Tuy nhiên, công tác quảng bá cho chương trình chưa được chú trọng nên vẫn còn nhiều khán giả chưa biết đến. So với bề dày hoạt động 12 năm thì sự đa dạng, phong phú của chương trình cũng như việc thu hút được đông đảo công chúng trẻ thật sự chưa đạt được kết quả như ý”.

Những nguyên nhân, tồn tại trên là thách thức không nhỏ đối với Hội Nghệ sĩ múa TPHCM trong công tác tổ chức. Hy vọng, sau khi tìm kiếm được tiêu chí, nội dung mới để thực hiện một chương trình nghệ thuật múa mới, hội sẽ phát huy được tối đa năng lực, tài năng của các biên đạo, diễn viên múa trẻ, tiếp tục nỗ lực góp sức gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục