Sản phẩm Việt tốt nhưng chưa “bắt mắt”

Ngày 27-9, Triển lãm Vietnam PrintPack 2023 diễn ra với sự tham gia của 411 đơn vị đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong ngành bao bì và in ấn do Bộ Công thương phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Judy Wang, Chủ tịch Công ty triển lãm Yorkers cho biết, ngành công nghiệp in ấn và bao bì sẽ tăng trưởng hơn 13% mỗi năm, cho thấy tiềm năng và dư địa phát triển là rất đáng kể. Thực tế cho thấy, trước sự phát triển của thương mại điện tử và sự tăng trưởng của thị trường trong nước, các công ty ngày càng nhận thức sâu rộng hơn về sự cần thiết trong việc tạo ấn tượng thương hiệu thông qua việc cải tiến bao bì và chất lượng sản phẩm. Do vậy, triển lãm lần này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp kết nối đối tác nhằm tìm kiếm khả năng thay mới hình thức bao bì, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Nhiều doanh nghiệp tìm hiểu giải pháp cải tiến bao bì để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm Việt

Nhiều doanh nghiệp tìm hiểu giải pháp cải tiến bao bì để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm Việt

Tại triển lãm, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cho biết, bao bì, nhãn mác có tác động lớn đến tính hấp dẫn của sản phẩm với người tiêu dùng. Thực tế là sản phẩm Việt Nam đã có mặt 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có đến 50 thị trường xuất khẩu chủ lực. Về chất lượng, sản phẩm Việt không thua kém sản phẩm cùng loại các nước trong khu vực, tuy nhiên, về hình thức bao bì, nhãn mác thì còn nhiều hạn chế.

Triển lãm trên giúp các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp phù hợp cho việc phát triển và đổi mới công nghệ tiên tiến, cũng như đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của ngành bao bì và in ấn tại Việt Nam. Sự kiện quy tụ hơn 910 gian hàng của 411 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Slovakia, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục